Điểm đáng chú ý trong dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định 24) là giá bán lẻ điện được phép tính thêm khoản lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đề xuất cho EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất, kinh doanh qua giá điện
Việc xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24 nhằm mục đích xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo lộ trình theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ; đồng thời sửa đổi công thức tính giá bán lẻ điện bình quân có yếu tố gắn với giá thành thực tế sản xuất, kinh doanh điện, bổ sung các quy định về hồ sơ phương án giá điện theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ…
Nhân viên Công ty Điện lực Điện Biên hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Song điểm đáng chú ý khác của dự thảo lần này là việc sửa đổi phương pháp lập giá bán điện bình quân, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh điện. Theo đó, công thức tính giá bán lẻ điện cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, bao gồm chênh lệch tỷ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
EVN đề xuất phương án phân bổ các khoản chi phí này, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Lý giải về đề xuất này, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, cơ sở để đề xuất quy định cho thu hồi lỗ sản xuất, kinh doanh điện của EVN trong tính toán giá điện tại dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24 đã được xem xét dựa trên quy định của pháp luật và tình hình thực tế, cũng như ý kiến của các bộ, ngành.
Theo đó, Cục Điều tiết điện lực dẫn chứng Điều 4 Quyết định 24 quy định các thành phần cấu thành lên giá bán lẻ điện bình quân hằng năm bao gồm chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất-cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của EVN) và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện. “Quyết định 24 đã quy định việc các khoản chi phí đã phát sinh nhưng chưa được tính vào giá điện trong các lần điều chỉnh trước đây sẽ được xem xét để tính toán phân bổ vào giá điện của kỳ đang tính toán”, Cục Điều tiết điện lực phân tích.
Đơn vị này cũng phân tích, nguyên tắc định giá của Nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá năm 2012 như sau: “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.
Cùng với đó, Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) quy định nguyên tắc định giá của Nhà nước là: “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”. Như vậy, căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá, giá điện cần bảo đảm bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp.
Minh bạch, tránh giá điện tăng “sốc”
Trước đề xuất này của Bộ Công Thương, ý kiến Bộ Tài chính và một số chuyên gia cho rằng cần cân nhắc kỹ với phương án giá bán lẻ điện được phép tính thêm các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN. Cụ thể, cho rằng việc tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào cho ngành điện là cần thiết, song chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý, việc đưa các khoản lỗ của EVN vào giá điện cần được tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều, bởi việc này có thể làm giá điện tăng “sốc”, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân còn gặp khó khăn.
“Cần làm rõ công thức tính giá điện mới, minh bạch và phân tách cụ thể chi phí của từng khâu tạo nên giá thành sản xuất, kinh doanh điện”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Góp ý về phương pháp lập giá bán điện bình quân, Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế, việc lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động này (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất, kinh doanh điện).
Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện theo quy định là những khoản chi phí nào, làm cơ sở để xác định các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện) cho phù hợp. Đồng thời, hằng năm, Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm thực hiện kiểm tra chi phí giá thành của EVN; việc rà soát, kiểm tra, phê duyệt các chi phí này do Bộ Công Thương thực hiện.
Từ giữa quý I-2022, giá nhiên liệu thế giới tăng cao dẫn đến làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu hoặc có giá nhiên liệu tham chiếu theo giá thị trường. Chi phí mua điện tăng cao nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định dẫn đến kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (đã tính đến các khoản doanh thu và thu nhập khác từ hoạt động cho thuê cột điện và hoạt động tài chính). |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/co-che-nao-de-bu-lo-hang-chuc-nghin-ty-dong-cua-evn-vao-gia-dien-742622