Chuyên gia nhận định rằng thị trường chứng khoán chưa xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu hạ nhiệt của tỷ giá, cùng động thái của Ngân hàng Nhà nước.
Thị trường chứng khoán chưa xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu hạ nhiệt của tỷ giá, cùng động thái điều hành tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước để đánh giá tình hình.
Đây là nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect về thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch tới.
Khối ngoại bán ròng hơn 3.460 tỷ đồng
Theo ông Đinh Quang Hinh, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vừa diễn ra đã được thị trường phản ánh từ trước, do đó chưa đủ là “cú hích” để thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư vốn đang đầy hoài nghi hiện nay.
Ông Hinh cho rằng VN-Index có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường và VNDirect kỳ vọng rằng VN-Index vẫn có thể giữ được vùng này.
Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 11, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp phục hồi tích cực, nhờ kết quả kinh doanh quý III ấn tượng giúp định giá trở về vùng hấp dẫn.
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng trưởng 29% so với cùng kỳ, trong khi EPS (khoản lợi nhuận sau thuế mà các nhà đầu tư chứng khoán thu được tính trên 1 cổ phiếu) 12 tháng liền kề có mức tăng 9% theo quý và 16% so với EPS năm 2023.
Sau khi phản ánh các kết quả này, chỉ số P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) của VN-Index đã điều chỉnh giảm từ 14,7 lần về 13,4 lần, chạm mức định giá thấp nhất trong năm nay.
Thống kê lịch sử giao dịch của thị trường trong 7 năm qua cũng cho thấy, thị trường thường tăng điểm cao hơn vào tháng sau mùa công bố kết quả kinh doanh.
Theo VDSC, xu hướng khả quan cũng sẽ được duy trì trong trung hạn khi lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 4/2024 dự báo đạt 22% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp có mức tăng trưởng hai chữ số. Các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành chủ đạo như ngân hàng, bất động sản và thực phẩm – đồ uống dự kiến sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng.
Tuy vậy, vẫn có những “cơn gió ngược” ngắn hạn cần chú ý như các cuộc xung đột địa chính trị có những tín hiệu ngắn hạn làm nổi lên tâm lý ngại rủi ro nhà đầu tư và đồng USD có thể mạnh lên.
Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), cho biết VN-Index trở lại vùng 1.250 điểm trong tuần thứ 3 liên tiếp, nhưng chỉ số này đã có diễn biến phân hóa trong 2 phiên gần đây. Dòng tiền bắt đầu chú ý đến câu chuyện tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng của các nhóm ngành khu công nghiệp, xuất khẩu (gỗ, thủy sản, dệt may…).
Diễn biến phân hóa này có nét tương đồng với giai đoạn cuối tháng 4/2024 khi báo cáo tài chính quý 1/2024 được công bố. Về mặt kỹ thuật vùng 1.250 điểm tiếp tục là mốc hỗ trợ của VN-Index.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho hay, VN-Index kết thúc tuần giao dịch (từ 4-8/11) gần như “giậm chân” tại chỗ, tuy nhiên nhà đầu tư lại trải qua chuyến tàu lượn giàu cảm xúc. Sự hụt hẫng là thứ gia vị ngay phiên đầu tuần, thị trường bất ngờ lao dốc hơn 10 điểm và xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm.
Không khí ảm đạm dần được thay thế bằng sự hào hứng trong phiên giao dịch ngày 6/11. Sự hưng phấn được đẩy lên cao trào khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Nhóm bất động sản khu công nghiệp phản ứng tích cực nhất với thông tin trên kéo theo phiên giao dịch bùng nổ nhất về điểm số kể từ giữa tháng Chín.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, lực cầu bất ngờ “hụt hơi” trước sức ép của nhóm vốn hóa lớn trong 2 phiên giao dịch cuối tuần và đánh mất thành quả một tuần nỗ lực.
Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index ở mức 1.252,56 điểm, giảm 2.33 điểm so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản khớp lệnh tuần qua gần như đi ngang và vẫn còn khoảng cách thấp hơn tới 19,9% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch.
Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 516 triệu cổ phiếu, giảm 10,21% so với cuối tuần trước, tương đương 13.463 tỷ đồng giảm 10,4%) về giá trị giao dịch.
Điểm tích cực trong tuần qua là hầu hết các nhóm ngành lấy lại sắc xanh với 14/21 nhóm ngành tăng điểm. Dẫn dắt đà phục hồi của thị trường trong tuần qua là các nhóm ngành như: Công nghệ viễn thông tăng 10,87%, hàng không tăng 3,87%, dệt may tăng 2,92%, bất động sản khu công nghiệp tăng 2,49%.
Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh vẫn phủ bóng lên một số nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng giảm 4,04%, ngân hàng giảm 1,54%, bất động sản dân cư giảm 1,02%.
Khối ngoại bán ròng tới 3.463 tỷ đồng ( khoảng 135,1triệu USD) trên sàn HOSE. Tâm điểm bán ròng trong tuần qua là MSN (768 tỷ đồng), VHM (732 tỷ đồng), CMG (275 tỷ đồng).
Theo CSI, xu hướng hồi phục chưa thực sự rõ nét dù trong tuần VN-Index đã xuất hiện 2 phiên tăng điểm. CSI vẫn duy trì quan điểm thận trọng, nhưng có thể mở vị thế mua thăm dò trong phiên tới khi VN-Index kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ (1.248-1.250) điểm.
CSI kỳ vọng vào các nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp; nhóm xuất khẩu: gỗ, thủy sản, dệt may; nhóm cảng biển và vận tải biển.
Thực tế cho thấy các sự kiện từ nước Mỹ tuần qua có ảnh hưởng khác nhau tới các thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục, trong khi nhà đầu tư chứng khoán châu Á lại tỏ ra thận trọng.
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục, châu Á mất đà
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng quyết định cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất của Fed đã đẩy các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/11, chỉ số S&P 500 tăng 0,4% lên 5.995,54 điểm, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong phiên là 6.012,45 điểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này bứt phá khỏi mốc 6.000 điểm, mốc được xem là quan trọng về mặt tâm lý.
Chỉ số công nghiệp Down Jones đóng cửa tăng 0,6% lên 43.988,99 điểm, sau khi có thời điểm vượt mức 44.000 điểm lần đầu tiên. Chỉ số công nghệ Nasdaq ghi nhận mức tăng nhỏ hơn, với 0,1% lên 19.286,78 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng lần lượt 4,7% và 4,6%, đánh dấu tuần giao dịch khởi sắc nhất với cả hai chỉ số này tính từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 5,7% trong tuần này, mức tăng theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ tháng 9/2024, theo dữ liệu của FactSet.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán mất đà trong phiên chiều 8/11, sau khi tăng vào đầu phiên nhờ động lực đến từ Phố Wall, trong khi các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc về các kế hoạch của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.
Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,1%, xuống 20.728,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,5%, xuống 3.452,3 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,3%, lên 39.500,37 điểm.
Trong khi có những lo ngại rằng nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump có thể chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng kế hoạch của ông về cắt giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định hơn sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Các chính sách của đảng Cộng hòa được cho là có thể khiến lạm phát tăng trở lại, cản trở những nỗ lực kéo dài của Fed trong việc kiểm soát giá cả.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn khi khẳng định kết quả của cuộc cử Tổng thống sẽ không ảnh hưởng đến quyết định chính sách của cơ quan này mà các quyết định sẽ dựa trên số liệu.
Các nhà giao dịch hiện đang đánh giá khả năng của một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào tháng 12 tới. Các nhà giao dịch cũng đang chờ kết quả kỳ họp kéo dài một tuần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc; trong đó có gói kích thích lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý.
Các nhà kinh tế nhận định Trung Quốc sẽ phê duyệt ngân sách bổ sung hàng trăm tỷ USD, tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ các chính quyền địa phương mắc nợ cũng như hỗ trợ tiền mặt cho các ngân hàng, nhằm xóa các khoản nợ xấu trong 4 năm qua.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử ông cảnh báo sẽ áp mức thuế lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc./.
Nguồn: https://baolangson.vn/chuyen-gia-nha-dau-tu-chung-khoan-cho-tin-hieu-ha-nhiet-ty-gia-5027928.html