– Cơn bão số 3 (YAGI) mạnh lên cấp siêu bão đang tiến gần vào đất liền nước ta và dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Lạng Sơn. Trước diễn phức tạp, cường độ mạnh của siêu bão, các cấp, ngành đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó siêu bão.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài khí tượng thủy văn tỉnh, sáng 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông với cường độ cấp 8, giật cấp 11.
Đến sáng 5/9, bão số 3 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão). Hồi 10 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km về phía Đông Đông Nam; cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 570 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201 km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20 km/h. Đây được xác định là một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất trong năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Sơn, quyền Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết: Dự báo do tác động của bão số 3, từ sáng 7/9 trên địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng cấp 7, giật cấp 9 (thời điểm gió mạnh nhất vào khoảng trưa đến tối ngày 7/9).
Trong ngày 6/9, trên địa bàn tỉnh có mưa dông. Từ đêm 6/9 đến sáng ngày 9/9 ở các nơi trong tỉnh có khả năng mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150-300mm/đợt, có nơi trên 400 mm gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng…
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, các cấp, ngành liên quan đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai các biện chủ động ứng phó.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Ngay khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó bão số 3 và các văn bản chỉ đạo của trung ương, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã có văn bản, công điện chỉ đạo triển khai ứng phó bão số 3 đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân.
Ngay trong sáng 6/9, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tiếp từ tỉnh đến cơ sở để triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 3. Trong đó UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 như: tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ để triển khai ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực phục vụ công tác ứng phó bão, lũ; sẵn sàng vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ người dân; tổ chức lực lượng tuyên truyền, vận động người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm…
Cũng ngay trong ngày 6/9, UBND tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế tại các địa điểm xung yếu, nguy hiểm cũng như công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão tại các huyện, thành phố.
Dự kiến trong những ngày tiếp theo, tùy diễn biến mưa, bão, UBND tiếp tục tổ chức kiểm tra, chỉ đạo khắc phục cụ thể. Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cũng nhanh chóng tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống mưa bão cũng như triển khai các giải pháp ứng phó cụ thể. Công tác chuẩn bị ứng phó bão ở huyện Đình Lập, một trong những địa bàn được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn của bão là một ví dụ.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã nhanh chóng phân công các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện thành các tổ đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai tại các xã, thị trấn, những điểm có nguy cơ thiệt hại; tổ chức kiểm tra, rà sát nhà ở không an toàn, các khu vực nguy hiểm để có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn (qua rà soát, toàn huyện có 351 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập úng, lũ quét và sạt lở đất và 65 điểm đường giao thông). Ngoài ra, UBND huyện còn bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sau, nước chảy xiết; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Cùng với huyện Đình Lập, đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó trọng tâm là thường xuyên theo dõi diễn biến tình mưa, bão; bố trí đầy đủ lực lượng, trang thiết bị máy móc, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết; chủ động tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ở khu vực xung yếu, nguy hiểm di chuyển đến nơi tránh trú an toàn; tổ chức lực lượng trực 24/24h để theo dõi diễn biến cũng như kịp thời hỗ trợ người dân; cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm…
Bên cạnh sự vào cuộ của các cấp, ngành, người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động trong việc ứng phó với siêu bão.
Bà Bùi Thị Huân, khối 11, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết đây là cơn bão rất mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến Lạng Sơn. Rút kinh nghiệm từ những trận mưa lớn gần đây gây ngập lụt một số tuyến đường quanh khu vực nhà tôi nên ngay từ hôm nay, gia đình đã chủ động chuẩn bị lương thực cũng như gia cố lại một số vị trí cửa nhà cho chắc chắn để tránh bị ảnh hưởng do mưa, bão gây ra.
Cơn bão số 3 được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Hy vọng rằng với sự chủ động của các cấp, ngành cũng như người dân, công tác ứng phó siêu bão sẽ đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân trên địa bàn.
Nguồn: https://baolangson.vn/chu-dong-ung-pho-sieu-bao-5020662.html