Theo Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền Venezuela, thắng lợi mùa Xuân năm 1975 làm thức tỉnh về chủ quyền dân tộc, cổ vũ các nước thuộc địa và phụ thuộc đấu tranh giành độc lập.
Rạng sáng 30/4/1975 theo giờ Nam Mỹ, cậu bé 11 tuổi Jesús Germán Faría Tortosa choàng tỉnh bởi âm thanh “Vietnam ganó, Vietnam ganó” từ phía ngoài.
Ngay sau đó, Faría chợt nhớ những câu chuyện bố thường kể về một đất nước xa xôi, nhỏ bé nhưng rất anh hùng. Tortosa chạy ra thì thấy khuôn mặt rạng rỡ và hạnh phúc của bố khi ông nói rằng Việt Nam đã thắng Mỹ và giành được độc lập toàn vẹn.
Cậu bé cảm nhận rõ không khí hân hoan của gia đình, bởi bố của Tortosa lúc đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Venezuela Jesús Faría, người luôn coi Việt Nam là người bạn thân thiết.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ông Jesús Germán Faría Tortosa, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền Venezuela (PSUV) hồi tưởng lại quãng thời gian khó quên đó, thời điểm mà người dân Venezuela coi chiến thắng 30/4 của Việt Nam như chiến thắng của chính mình.
Cũng trong sáng 30/4 đó, đi cùng bố đến tòa soạn báo Tribuna Popular của Đảng Cộng sản Venezuela tại thủ đô Caracas, Tortosa thấy một không khí thật náo nhiệt và tràn đầy niềm vui của lãnh đạo đảng cũng như của đội ngũ phóng viên, biên tập viên khi họ dồn dập phát đi thông tin về thắng lợi của Việt Nam diễn ra vài tiếng trước đó theo giờ Việt Nam.
Đặc biệt, sau gần nửa thế kỷ, hình ảnh về sự thất thủ của chính quyền Sài Gòn, hình ảnh chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Đại sứ quán Mỹ, hình ảnh từng đoàn quân chiến thắng tiến vào thành phố cùng lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập vẫn in sâu trong tâm trí của Phó Chủ tịch đảng PSUV cầm quyền Venezuela Jesús Germán Faría Tortosa.
Theo ông Tortosa, đại thắng 30/4 như một món quà mà Việt Nam gửi đến những dân tộc tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nếu như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là tấm gương truyền niềm cảm hứng và quyết tâm để các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh vùng lên giành độc lập trước ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, thì thắng lợi mùa Xuân năm 1975 đã làm thức tỉnh về chủ quyền dân tộc, cổ vũ các nước thuộc địa và phụ thuộc đấu tranh giành độc lập.
Chiến thắng 30/4 của Việt Nam cũng là nguồn cảm hứng cho sự thành công của Cách mạng Bolivar Xã hội chủ nghĩa tại Venezuela 24 năm sau đó, bởi cố Tổng thống Hugo Chávez luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó, từ Mexico, ông Jorge Alcocer Villanueva, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Mexico chia sẻ với phóng viên TTXVN rằng những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến, đặc biệt bức ảnh “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc đã thôi thúc ông cùng nhiều sinh viên khác xuống đường tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam.
Trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, ông cũng từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trước Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Mexico City, giơ cao băngrôn và hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.”
Đối với ông Villanueva, đây là giai đoạn rất đáng tự hào với bản thân ông cũng như nhiều sinh viên cùng thế hệ tại Mexico, bởi những hoạt động phản đối chiến tranh thể hiện mạnh mẽ lý tưởng cao cả của tầng lớp thanh niên trí thức thời điểm đó, đó chính là tinh thần yêu chuộng hòa bình, ý thức về độc lập, chủ quyền dân tộc và tình đoàn kết quốc tế.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Mexico, trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, mặc dù nhiều nước Mỹ Latinh đã giành được độc lập, song đa số vẫn nằm trong “vòng kìm kẹp” của chủ nghĩa đế quốc và do đó, trên thực chất, không có đủ tự do để thực hiện quyền dân tộc tự quyết.
Chính vì vậy, chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước là sự khích lệ to lớn đối với toàn khu vực Mỹ Latinh, trong đó có Mexico, vì thắng lợi này khẳng định quyền dân tộc tự quyết, đó là quyền của mỗi dân tộc trong việc thiết lập chế độ chính trị và thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa của mình trên cơ sở chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh đó, chiến thắng 30/4 của Việt Nam cũng đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới về trật tự thế giới, đó là kỷ nguyên mà các quốc gia không thể tùy ý dùng vũ lực nhằm can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác./.