Từ cuối tháng 4, rất khó phân biệt trận địa ta và trận địa địch. Vì hầu hết những mũi chiến hào của ta đã cắm sâu vào Tập đoàn cứ điểm. Đôi lúc phải xác định trên bản đồ đâu là những cứ điểm địch còn giữ, đâu là nơi ta đã tiêu diệt.
Về phía ta: Rạng sáng ngày 3-5-1954, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiến công tiêu diệt cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh. Trận địa quân ta bao vây sát khu trung tâm Mường Thanh, chỉ còn cách khu sở chỉ huy của De Castries trên dưới 300m. Một đại đội ta được lệnh đóng chốt ở bản Nà Tì, không cho địch có lối thoát để chạy sang Lào.
Trong cuốn Hồi ký “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: “Buổi trưa trời hửng nắng. Tôi trèo lên đỉnh núi Mường Phăng sau Sở chỉ huy, quan sát trận địa. Gần một tháng qua, từ vị trí này, với một chiếc ống nhòm có bội số quang học lớn, tôi đã theo dõi sự tiến triển của chiến hào ta. Thời gian đầu, sự tách biệt giữa ta và địch rất rõ.
Tập đoàn cứ điểm địch là một khối đông đặc, như những tổ ong khổng lồ nằm sát nhau hai bên bờ sông Nậm Rốm. Trận địa ta là những đường hào rất nhiều nhánh từ xung quanh cánh đồng lấn vào. Nhưng từ cuối tháng 4, rất khó phân biệt trận địa ta và trận địa địch. Vì hầu hết những mũi chiến hào của ta đã cắm sâu vào tập đoàn cứ điểm. Đôi lúc phải xác định trên bản đồ đâu là những cứ điểm địch còn giữ, đâu là nơi ta đã tiêu diệt.
Những chiếc máy bay vận tải bay cao ngoài tầm với của pháo cao xạ tiếp tục tạo nên những trận mưa dù trên bầu trời Điện Biên Phủ. Với hàng nghìn chiếc dù màu sắc tươi rói chi chít trên cánh đồng, như nấm nở rộ sau một trận mưa. Có thể thấy rõ số khá lớn đồ tiếp tế của địch rơi vào trận địa ta. “Miếng da lừa” Điện Biên Phủ đã thu lại quá nhỏ. Sáng nay, tham mưu báo cáo, nó chỉ còn một chiều 1.000m, một chiều 800m. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã ví nó với một “sân bóng chày”. Tôi dùng ống nhòm tìm vị trí 311B ở phía Tây, đã bị tiêu diệt đêm 3-5 và vị trí 310 nằm bên. Cả hai vị trí này chỉ cách sở chỉ huy Mường Thanh hơn 300m. Từ đây vượt qua một cứ điểm nữa là tới hầm De Castries. Những mũi lê đã chĩa vào bên sườn De Castries. Nhưng phản ứng của địch rất yếu ớt. Chúng đã không làm gì nhiều sau khi mất 311B. Và ít nữa sẽ đến lượt 311, được coi là “con mắt” của Tập đoàn cứ điểm”.
Về phía địch: Cogny chỉ thị cho De Castries một kế hoạch tháo chạy khác được gọi là kế hoạch “Chim biển”. Theo kế hoạch này, địch dự định thả xuống Điện Biên Phủ một tiểu đoàn để hợp lực với bọn còn sống sót trong tập đoàn cứ điểm với mục đích phá vây chạy sang Thượng Lào bằng ba hướng Nam, Đông Nam và Tây. Trong khi đó 2 tiểu đoàn khác nhảy dù xuống tạo thành một hành lang từ thung lũng Nậm Nưa qua Mường Nhạ, Nậm Hợp để đón quân phá vây rút chạy.
Các sĩ quan trong tập đoàn cứ điểm tranh nhau để được rút chạy theo hướng Nam là hướng có nhiều hy vọng để thoát thân. Họ chủ quan cho rằng kế hoạch “Chim biển” có thể thực hiện vào 20 giờ ngày 7-5 nhưng không ngờ rằng tốc độ tiến công của quân ta đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng về tinh thần và tan rã về tổ chức của binh lính, khiến cho mọi ý đồ tháo chạy của các cấp chỉ huy chỉ còn là ảo tưởng.
THÀNH VINH (lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ – Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ – nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.