Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3/2024.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP
Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP.
Trong đó, Nghị định số 31/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 4/1/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sửa đổi thủ tục cấp phép nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể
Cụ thể, Nghị định số 31/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP về thủ tục cấp phép nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể như sau:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đề nghị nghiên cứu, sưu tầm nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị (Phụ lục I) kèm theo Đề án (Phụ lục II) nêu rõ mục đích, địa bàn, thời hạn và đối tác Việt Nam tham gia nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể đến Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. Trong trường hợp địa bàn nghiên cứu, sưu tầm có phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 10 ngày làm việc đối với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thủ trưởng các cơ quan nêu trên có trách nhiệm xem xét cấp phép. Trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Sửa đổi thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
Ngoài ra, Nghị định số 31/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia như sau:
Chủ cửa hàng nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đến Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.
Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bao gồm: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ (Phụ lục IV); Bản sao hợp pháp các văn bằng chuyên môn có liên quan.
Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vừa ký Quyết định 41/QĐ-BCĐXDTTTC ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Quy chế quy định nguyên tắc, chế độ làm việc; trách nhiệm của thành viên, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; chế độ thông tin, báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (Ban Chỉ đạo).
Theo Quyết định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 6/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Nguyên tắc làm việc
Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo; Trưởng Ban Chỉ đạo là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng ban; các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao trong quá trình xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp theo kế hoạch và triệu tập các cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Các thành viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; trường hợp do bận công tác quan trọng khác không thể tham dự họp, phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và ủy quyền cho người đại diện có trách nhiệm dự họp; ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của thành viên Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo phân công từng thành viên chịu trách nhiệm: Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đề xuất và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quá trình xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Chế độ làm việc, thông tin và báo cáo
Ban Chỉ đạo họp theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngoài việc họp trực tiếp để thảo luận, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Ban Chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
Nội dung cuộc họp tập trung đánh giá nội dung và các đề xuất, giải pháp để xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề có liên quan trong quá trình xây dựng Đề án.
Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ từng thời điểm, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có thể đề xuất mời các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo theo quy định pháp luật.
Thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tình hình triển khai nhiệm vụ, hoạt động được phân công thuộc trách nhiệm, thẩm quyền và lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình để xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng thời, chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo được gửi tới Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng thời gửi tới Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để theo dõi, tổng hợp chung để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1716/VPCP-KGVX ngày 16/3/2024 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về kết quả xử lý vụ việc tại Cơ sở cai nghiệm ma túy tỉnh Sóc Trăng.
Cụ thể, xét kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tại báo cáo số 70/BC-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2024 về việc người đang cai nghiện ma túy bỏ trốn tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng ngày 24 tháng 02 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn.
Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương rà soát, lập danh sách một số cơ sở cai nghiện ma túy có nhu cầu cấp bách cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Quốc gia về công tác cai nghiện ma túy (văn bản số 411/TB-VPCP ngày 29 tháng 10 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ); khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các giải pháp cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, không để xảy ra tình trạng học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn phá hoại cơ sở vật chất, bỏ trốn, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương./.