– Từ các loại cây mọc tự nhiên trên rừng, đặc biệt là cây quế, các em học sinh Trường THPT Tràng Định đã có ý tưởng chế tạo ra các sản phẩm từ cây quế gồm nhang quế và nụ trầm quế. Đây là dự án khởi nghiệp có tính thực tiễn cao, góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra sản phẩm an toàn đối với sức khỏe con người.
Từ bao đời nay, nhang là vật phẩm không thể thiếu trong thờ cúng tổ tiên, cúng bái ở đền chùa, ma chay… của nhiều gia đình người Việt. Đối với nụ trầm, người dân thường sử dụng để tạo mùi hương, giúp giảm bớt căng thẳng, xua tan mệt mỏi, làm sạch không khí. Tuy nhiên, trên thị trường còn có nhiều sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, nhóm học sinh gồm: Đàm Thị Khánh Ly, lớp 10C1; Đoàn Thái Thủy Tiên, lớp 10A1, Trường THPT Tràng Định, huyện Tràng Định đã nghiên cứu và thực hiện dự án “Chế phẩm từ cây quế” như nhang quế và nụ trầm quế.
Em Đàm Thị Khánh Ly, trưởng nhóm thực hiện dự án chia sẻ: Qua tìm hiểu, chúng em thấy hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại nhang công nghiệp, giá thành rẻ, không tốt cho sức khỏe người dùng. Trong khi đó, cây quế có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt quế là một trong những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Tràng Định. Tuy vậy, tư thương chủ yếu chỉ thu mua vỏ quế, còn lá quế phần lớn là bỏ đi. Từ thực tế đó, chúng em đã có ý tưởng sử dụng các nguyên liệu từ các loại cây có sẵn trong tự nhiên, đặc biệt là lá cây quế để tạo hương thơm đặc trưng cho nhang quế, nụ trầm quế.
Theo đó, ý tưởng bắt đầu được thực hiện từ tháng 5/2024. Để thực hiện ý tưởng này, các em học sinh đã sử dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương gồm: lá cây quế, gỗ cây sau sau, cây bời lời, cây bầu hắt. Sau đó, thực hiện qua các công đoạn như: chẻ cây, nghiền bột khô, phủ bột, phơi khô… Với thành phần hoàn toàn từ tự nhiên, nhang quế và nụ trầm quế không chỉ có hương thơm mà còn giúp khử mùi hôi, thanh lọc không khí, làm thơm phòng, thư giãn đầu óc, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Thầy giáo Phạm Văn Quang, giáo viên hướng dẫn nhóm dự án chia sẻ: Nhang quế và nụ trầm quế đều là những sản phẩm còn mới mẻ trên thị trường tỉnh Lạng Sơn. Do đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng như các giáo viên trong trường đều rất ủng hộ nhóm thực hiện dự án này. Thời gian đầu, các em trong nhóm dự án cũng gặp khó khăn trong việc cân đối thời gian dành cho việc học và nghiên cứu dự án, chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra chưa được như mong muốn. Bản thân tôi là giáo viên hướng dẫn cũng đã tìm hiểu, nghiên cứu và hướng dẫn các em thực hiện trong từng công đoạn để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Có thể thấy, nhang quế và nụ trầm quế đều sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, với giá thành chỉ từ 1.200 – 1.300 đồng/kg lá quế, do đó chi phí sản xuất không lớn. Cùng với đó, theo tính toán của nhóm, mỗi bó nhang thành phẩm (gồm 10 que) được bán với giá 10.000 đồng/bó; nụ trầm bán với giá 1.000 đồng/nụ, thấp hơn giá bán ngoài thị trường. Trong quá trình thực hiện ý tưởng, nhóm dự án đã tiến hành bán sản phẩm và khảo sát đối với 100 khách hàng, kết quả là 80% khách hàng đánh giá rất hài lòng đối với sản phẩm.
Bà Lương Thị Oanh, khu 1, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Tôi biết đến và được dùng thử sản phẩm nụ trầm quế do các em học sinh Trường THPT Tràng Định tạo ra. Tôi thấy, so với các nụ trầm khác trên thị trường, nụ trầm quế có hương thơm rất đặc trưng của cây quế. Đặc biệt, qua tìm hiểu tôi được biết, sản phẩm được các em làm từ các thành phần tự nhiên nên rất yên tâm khi sử dụng.
Tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn năm 2024, dự án “Chế phẩm từ cây quế” của nhóm học sinh Trường THPT Tràng Định đã nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo và đạt giải khuyến khích tại cuộc thi. Từ đó, có thể khẳng định, đây là dự án có tính thực tiễn cao, có tiềm năng phát triển, nếu được sản xuất với quy mô lớn có thể đem lại giá trị kinh tế cao, hướng tới tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, đồng thời góp phần nâng cao giá trị cây quế của huyện Tràng Định.
Nguồn: https://baolangson.vn/che-pham-tu-cay-que-du-an-khoi-nghiep-tiem-nang-5032786.html