Việt Nam được xác định là thị trường hấp dẫn, nhiều dư địa phát triển thị trường tiêu dùng các sản phẩm văn hoá trên nền tảng số nhưng cũng là lãnh địa tiềm ẩn nhiều bất cập khiến người làm nghề, nhà đầu tư lo lắng, trong đó có vấn về bảo vệ bản quyền.
Theo nghiên cứu về chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam trong môi trường số của nhóm nghiên cứu đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) được công bố mới đây, Việt Nam có số người dùng Internet băng thông rộng lớn, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80% và đang tăng nhanh, nhóm dân số có độ tuổi từ 15-64 hiện chiếm 69% tổng số dân.
Đối với việc phát triển thị trường văn hóa, cơ cấu “dân số vàng” là một thời cơ, bởi đây là nhóm dân cư có nhu cầu lớn về hưởng thụ các dịch vụ, sản phẩm văn hóa, đồng thời là nguồn nhân lực dồi dào để phát triển thị trường văn hóa. Bên cạnh thị trường nội địa lớn, đảm bảo tiềm năng tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa thì thị trường khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng cũng là một cơ hội lớn mở ra cho các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Với Internet, công chúng và nghệ sĩ, những cá nhân sẽ dễ dàng hơn tham gia vào hầu hết các khâu của thị trường công nghiệp văn hóa, từ sáng tạo cho đến tiêu dùng. Tuy nhiên, kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, trong đó có thách thức về thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Công nghệ kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều hoạt động sử dụng trái phép các nội dung sáng tạo. Việc phổ biến và tiêu dùng sản phẩm văn hóa và sáng tạo bất hợp pháp, vi phạm bản quyền trên nền tảng số tước đi doanh thu chính đáng của người sáng tạo và các doanh nghiệp sáng tạo, trong một số trường hợp, ảnh hưởng tới động cơ theo đuổi các ngành nghề sáng tạo của nhiều cá nhân hoặc xu hướng khởi nghiệp sáng tạo, gây khó khăn cho việc tài trợ, đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Trong khi đó, pháp lý hiện hành chưa kịp điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Trao đổi về vấn đề này, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cấp cao BHD – Viet Nam Media Corp cũng cho rằng, sản phẩm sáng tạo của những người làm trong các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng chưa được coi trọng bảo vệ. Ví dụ, khi phim “Cô Ba Sài Gòn” được phát hành 1 ngày, có bạn trẻ vào rạp xem phim và vô tư phát trên mạng. Nhà sản xuất phải mất nhiều công sức để tìm ra người phát tán phim. Khi đưa ra cơ quan Công an, bạn này nói rằng, không biết làm như thế là vi phạm pháp luật. Kết quả, bạn trẻ bị phạt hành chính 3 triệu đồng. Điều đó cho thấy kết quả tuyên truyền, giáo dục bản quyền và luật pháp của nước ta về lĩnh vực này còn nhiều bất cập.
Theo bà Hạnh, sản xuất một tài sản trí tuệ cần nhân lực, máy móc, thiết bị, đầu tư hàng triệu USD nhưng xử lý hành vi ăn trộm tài sản này chưa thực sự được quan tâm tương xứng, có khi chưa bằng xử lý hành vi ăn trộm 1 cái xe máy. “Việc quan trọng, sớm nhất, cần nhất hiện nay là coi sản phẩm công nghiệp văn hóa là tài sản trí tuệ, được định giá, có giá trị, tức là được mọi người định hình và chấp nhận nó”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Thái Bình Dương cũng chỉ ra rằng, vi phạm bản quyền trên môi trường số của Việt Nam hiện nay muôn hình vạn trạng, rất khó xử lý vì sự lắt léo và trình độ của người xâm phạm cũng rất cao. Có khi cơ quan quản lý tốn mấy tháng trời để ngăn chặn 1 website thì đối tượng vi phạm chỉ cần 15 phút để chuyển sang 1 website mới có tên miền tương tự. Ví dụ, thay vì tên miền là phimmoi thì họ lấy tên là phimmoix, phimmoizz, phimzmoi… Khi làm tên miền mới, họ đã có ngay khoảng 10 triệu lượt view, ngay cả khi cơ quan quản lý đã phối hợp với google chặn được đến 80% các fanpage liên quan. Lý do là người sử dụng tự thông báo qua các hội, nhóm và chỉ cho nhau kéo qua trang mới.
Một ví dụ điển hình khác là các bài tóm tắt, núp bóng review (giới thiệu) phim. Thay vì phát cả bộ phim 90 phút, các đối tượng cắt nhỏ, mỗi video còn chừng vài phút, tóm tắt toàn bộ phim để phát trên tiktok, facebook… Liên kết các video, người xem có thể hiểu toàn bộ phim nên không cần xem bản đầy đủ nữa. Các hành vi này gây thiệt hại cho những người sáng tạo. Nhà sản xuất phim không thu hồi được vốn nên khó tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo.
Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, hiện nay, pháp luật Việt Nam về bảo vệ bản quyền tác phẩm đã có những tiến bộ, đưa ra những khái niệm mới, trong đó các nhà cung cấp dịch vụ trung gian như là nơi quản lý các chợ trên không gian ảo. Nếu cái chợ đấy kiểm soát tốt, không cung cấp hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng không có cơ hội mua. Ngược lại, chợ bán hàng giả thì khó cấm người tiêu dùng bước vào chợ mua hàng giả, vì có khi, bản thân người dùng cũng không biết họ đang mua hàng giả. Vì vậy, chúng ta cần yêu cầu các đơn vị trung gian không đưa các sản phẩm giả, không lưu trữ, không tạo điều kiện cho các đơn vị xâm phạm để người dùng không tiếp cận được. Các nhà sản xuất cần liên kết, hợp tác với nhau, thông qua các tổ chức, hiệp hội để bảo vệ bản quyền tác phẩm, kiến nghị thay đổi chính sách như tăng mức xử phạt, đề nghị sớm có tòa án riêng về sở hữu trí tuệ – một trong số các nguyên nhân khiến nhiều vụ kiện vi phạm bản quyền kéo dài thời gian qua, trong đó có vụ tranh chấp bản quyền bài thơ “Gánh mẹ” phải mất hơn 4 năm…
Một giải pháp khác, theo Luật sư Phan Vũ Tuấn, đó là mỗi nghệ sĩ, người sáng tạo kêu gọi cộng đồng người hâm mộ của mình không xem phim, nghe nhạc ở các trang web lậu. Khi bị vi phạm thì mạnh dạn khởi kiện, vì chi phí kiện ở Việt Nam hiện không cao và nghệ sĩ, nhà sản xuất còn có sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, người hâm mộ…
Nguồn:https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/chat-vat-bao-ve-ban-quyen-san-pham-van-hoa-tren-nen-tang-so-i707428/