Trong khi nền kinh tế đang “khát vốn” thì tình trạng các bộ, ngành, địa phương đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 vì không thể giải ngân hết số vốn được giao vẫn tiếp tục diễn ra.
Ảnh minh họa. |
Số liệu thống kê đến tháng 7/2023, tổng nguồn vốn được “trả lại” để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu lên tới hơn 7.000 tỷ đồng, bao gồm 5.500 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 1.500 tỷ đồng vốn nước ngoài. Đây là số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhưng các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch hoặc đã phân bổ hết nhưng không thể giải ngân hết.
Ngược lại, có hai cơ quan Trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 hơn 5.000 tỷ đồng (hơn 4.800 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 200 tỷ đồng vốn nước ngoài). Như vậy, số vốn xin “trả lại” chưa có địa chỉ phân bổ vẫn còn khoảng 2.000 tỷ đồng, tạo thêm áp lực cho quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong bối cảnh tiến độ giải ngân khá chậm chạp, có tiền mà không tiêu được.
Đánh giá một cách tích cực, giải ngân vốn đầu tư công bảy tháng đầu năm 2023 đã tiến triển hơn so với cùng kỳ, kết quả đạt mức cao hơn cả về số tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân trên tổng kế hoạch vốn được giao. Nhưng xét tổng thể, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng lưu ý, tình trạng xin “trả lại” vốn tiếp tục diễn ra, không chỉ gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công nói riêng mà còn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn lực quốc gia vì đầu tư công – một động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Nhận thức tình trạng này có nguyên nhân chủ quan từ công tác điều hành của các bộ, ngành, địa phương, song cũng có tác động của những bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bên liên quan về đề nghị xây dựng Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Mục đích nhằm hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý toàn diện trong triển khai kế hoạch đầu tư công, giảm thiểu thủ tục hành chính và sự lúng túng, e ngại của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, sử dụng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Với các chính sách được đề xuất sửa đổi khá bao trùm, liên quan đến thời gian bố trí vốn thực hiện dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư; sửa đổi quy định về việc xử lý kế hoạch vốn đầu tư hằng năm không giải ngân hết được phép kéo dài thời gian thực hiện,… kỳ vọng những nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ sớm được tháo gỡ, không còn tình trạng vẫn phải xin “trả lại” vốn vì có tiền cũng không tiêu được.
Nguồn:https://nhandan.vn/cham-dut-tinh-trang-tra-lai-von-dau-tu-cong-post769513.html