– Những năm qua, việc phát triển, nhân rộng các câu lạc bộ (CLB) văn hoá, văn nghệ truyền thống luôn được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Cao Lộc quan tâm thực hiện. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn tạo môi trường thuận lợi để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Tiết mục biểu diễn của các em học sinh tham gia lớp truyền dạy di sản văn hoá xã Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc
Có dịp về xã Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc đúng vào thời điểm Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven, Chủ Nhiệm CLB Điếp Sli Then đang truyền dạy các làn điệu dân ca cho học sinh, chúng tôi vô cùng ấn tượng với các học viên nhí, có em chỉ tầm 3 – 5 tuổi nhưng đã rất tự tin biểu diễn các điệu múa và ngân nga những điệu Sli truyền thống một cách thuần thục.
Chị Lăng Thị Nhung, phụ huynh bé Luân Quỳnh Trâm (9 tuổi là thành viên lớp học) cho biết: “Hè năm nay, gia đình tôi cho cháu tham gia lớp học hát dân ca để cháu có thêm sân chơi mới, vui và bổ ích hơn. Ngoài học hát, cháu còn được bà Ven dạy về những nét đẹp của văn hoá dân tộc, được đi biểu diễn giao lưu.”
Được biết, lớp truyền dạy hát dân ca của Nghệ nhân Hà Mai Ven đã bắt đầu mở từ đầu tháng 7/2023 với 34 thành viên từ 5 đến 15 tuổi. Đến nay, các em đã tự tin biểu diễn 3 tiết mục dân ca đặc sắc gồm: Phạ pân phạ đét (trời mưa, trời nắng), bài hát biết ơn thầy cô và múa chầu.
Ngoài xã Thuỵ Hùng, tại xã Hải Yến, trong dịp hè vừa qua các CLB múa sư tử mèo lứa tuổi học sinh cũng sinh hoạt sôi nổi. Em Hứa Hải Đăng, 14 tuổi, thôn Tồng Riền cho biết: “Trong dịp hè vừa qua, chúng em được các anh chị đoàn viên, thanh niên ở xã hướng dẫn tập múa sư tử mèo vào những ngày cuối tuần. Đây là sân chơi yêu thích của chúng em”.
Hiện xã Hải Yến đã thành lập được 12 đội múa sư tử với gần 300 thành viên, trong đó có 6 đội múa sư tử mèo thiếu nhi với hơn 100 thành viên từ 8 – 15 tuổi.
Cùng với Thuỵ Hùng và Hải Yến, hiện nay hoạt động của các CLB văn hoá, văn nghệ truyền thống tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã và đang lan toả sâu rộng, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Riêng từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã khuyến khích nhân rộng được khoảng 20 CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng nâng tổng số CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn lên hơn 50 CLB, trung bình mỗi CLB có từ 15 – 30 hội viên tham gia.
Bà Hà Thị Trinh, Phó Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện Dự án số 06 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã mở được 4 lớp truyền dạy múa sư tử, thêu dệt thổ cẩm, hát Sli với hơn 100 học viên tham gia.
Cùng đó, hiện nay, có 17 trường học trên địa bàn huyện thường xuyên truyền dạy các di sản văn hoá và thành lập các CLB văn hoá truyền thống.
Để tạo điều kiện cho các CLB, đội văn nghệ hoạt động, huyện Cao Lộc chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao, mua sắm trang thiết bị như tăng âm, loa đài… Cùng đó, huyện đã tích cực tạo điều kiện để các CLB có “đất diễn” thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, hội thi.
Với sự tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thông qua các CLB văn hoá truyền thống, trong 2 năm qua, tại các cuộc thi cấp tỉnh, những hạt nhân văn nghệ tại các CLB của huyện Cao Lộc đều nằm trong tốp giải cao nhất. Tiêu biểu như giải nhất hội thi múa sư tử mèo Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn năm 2022, giải A hát dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn năm 2022…
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Cao Lộc là một trong những địa bàn tiêu biểu trong việc phát triển, nhân rộng các mô hình văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần tích cực trong việc phát triển và lan toả tình yêu di sản trong đời sống cộng đồng.