Với sự nỗ lực thúc đẩy Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phát triển bền vững, Cao Bằng được Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và bạn bè quốc tế đánh giá cao, bầu chọn đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024. Đây là vinh dự, cơ hội cho Cao Bằng thay mặt cả nước đón bạn bè trong nước, quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm di sản CVĐC để kết nối, hợp tác, đoàn kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch…
|
BÀI 1: NON NƯỚC CAO BẰNG HÀNH TRÌNH MỚI PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU
“Non nước Cao Bằng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và sở hữu nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành và nhân dân lựa chọn xây dựng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững, bắt nhịp với xu hướng chung toàn cầu” – Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khẳng định.
MIỀN ĐẤT CỔ NHIỀU GIÁ TRỊ DI SẢN – “NGUỒN LỰC” ĐỂ…
Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.690,72 km2, trong đó 90% là núi non hùng vĩ, độ cao từ 200 m – 2.000 m, có hơn 333 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc. Hệ thống địa hình núi, đồi đa dạng xen lẫn thung lũng bằng phẳng với 1.200 con sông, suối, hồ tạo nên 3 hình địa dạng chính: Địa hình karst là những dãy núi đá cao (Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Thạch An, Bảo Lạc, Nguyên Bình), xen lẫn địa hình đồi núi đất (Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An, Hòa An) với điển hình là các hệ thống núi cao phía Tây Bắc – Đông Nam (từ Phja Dạ cao 1.980 m (Bảo Lạc) – Phja Oắc cao 1.931 m – Phja Đén cao 1.428 m (Nguyên Bình) kéo sang Ngân Sơn – Bằng Khẩu (Bắc Kạn) nối sang hướng Tây Bắc huyện Thạch An (Cao Bằng) – phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn) và địa hình đồi núi đất thấp xen lẫn thung lũng bằng phẳng hướng Tây Bắc – Đông Nam đã chia Cao Bằng làm hai nửa phía Đông (karst) và Tây (phi karst).
Với địa hình đa dạng đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp hoang sơ, hùng vĩ ví như “xứ sở thần tiên”: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, cảnh quan Phong Nặm – Ngọc Côn (Trùng Khánh); quần thể hồ Thang Hen (Quảng Hòa), cảnh quan núi đá Karst hùng vĩ Lục Khu (Hà Quảng)… Ông Hồ Sỹ Minh, Tổng Biên tập Tạp chí nhiếp ảnh và đời sống Việt Nam cho biết: Tôi đã đi nhiều quốc gia trên thế giới và các tỉnh, thành phố cả nước để sáng tác ảnh nhưng chưa nơi nào có nhiều phong cảnh đẹp như tỉnh Cao Bằng. Năm 2022, tôi đưa đoàn nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đến Cao Bằng sáng tác đã chụp được nhiều ảnh đẹp. Nhiều cuộc thi ảnh quốc gia đều có ảnh đẹp Cao Bằng. Chúng tôi luôn ao ước được đến Cao Bằng nhiều hơn để sáng tác vẻ đẹp bất tận của đất và người nơi đây.
Cùng với cảnh đẹp, Cao Bằng có khí hậu điển hình nhiệt đới gió mùa lục địa miền núi cao và tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới đã tạo nên tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái rất cao. Rừng có nhiều loại với trên 90 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm và đa dạng lâm thổ sản xen lẫn thung lũng bằng phẳng hình thành nhiều cây trồng, vật nuôi đặc hữu chất lượng cao như: Cây dong riềng Phja Đén, quả lê, thạch đen, hạt dẻ, thạch trắng Mác Púp, gạo nếp Ong, nếp Hương, dược liệu quý, chè giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ… Do đó, Cao Bằng nổi tiếng về thiên đường ẩm thực đặc sắc, có nhiều sản vật lọt vào Top những món ăn đặc sản, sản phẩm nổi tiếng nhất Việt Nam: Lê, hạt dẻ, xôi trám, bánh Coóng Phù, bánh cuốn, bánh áp chao, miến dong Phja Đén, lạp sườn lợn đen, thịt bò khô, bánh chưng đen…
Cao Bằng có bề dày lịch sử nghìn năm với nhiều di chỉ hậu kỳ đá cũ, thời đại kim khí đồ đồng, đồ gốm sứ của nền văn hóa Đông Sơn. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh… đã quần cư sinh sống lâu đời hình thành văn hóa đa dân tộc, phong phú, đặc sắc. Hiện nay còn lưu giữ trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội đặc sắc, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều nhân vật kiệt xuất được lưu danh trong các sử sách như Nùng Trí Cao, Hoàng Lục chống quân Tống; Hoàng Thắng Hứa chống quân Nguyên; Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái chống quân Minh; Lương Tuấn Tú, Mã Quốc Anh chống thực dân Pháp… Nhà văn hóa Nông Quỳnh Văn được suy tôn là Vua Ca Đáng; Bế Văn Phụng được phong chức Tư thiên quản nhạc…
Đến thời kỳ lịch sử hiện đại, ngày 28/1/1941, Cao Bằng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn trở về Tổ quốc để xây dựng căn cứ địa, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941 – 1945. Cao Bằng trở thành quê hương cội nguồn cách mạng Việt Nam. Hiện có 271 di tích, trong đó, 102 di tích được xếp hạng, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt; 27 di tích cấp quốc gia, 72 di tích cấp tỉnh, 2 bảo vật Quốc gia
… XÂY DỰNG THÀNH CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU UNESCO
“Non nước Cao Bằng sở hữu nhiều giá trị về điều kiện tự nhiên và bề dày văn hóa, lịch sử, tỉnh coi đây là lợi thế – “nguồn lực” quan trọng phù hợp với xây dựng CVĐC và tham gia vào Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO để học hỏi kinh nghiệm, phát huy lợi thế riêng có của Cao Bằng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững” – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết.
Giai đoạn 2015 – 2018, qua nắm bắt tình hình và tham quan mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO tỉnh Hà Giang, nước Thái Lan, Pháp… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh xây dựng CVĐC Non nước Cao Bằng và nỗ lực triển khai các quy định, khuyến nghị của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Nhiệm vụ nổi bật là lập hồ sơ di sản địa chất, di sản văn hóa CVĐC gắn với chương trình hành động xây dựng CVĐC phát triển bền vững. Trong đó nổi bật xây dựng 4 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC tích hợp các nhiệm vụ vừa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất và di sản văn hóa, lịch sử địa phương để xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có.
Thực hiện các yêu cầu, quy định, khuyến nghị của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản CVĐC toàn cầu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã mở các lớp tập huấn về di sản CVĐC cho cán bộ, công chức, người lao động, hộ cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch tại vùng CVĐC là hệ thống đối tác của CVĐC Non nước Cao Bằng. Giáo dục nâng cao nhận thức về CVĐC gắn với phát huy các danh hiệu CVĐC tại các trường học, xây dựng Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC”. Tham dự Hội chợ CVĐC Đồng Văn (Hà Giang), Hội nghị Mạng lưới CVĐC châu Á – Thái Bình Dương theo định kỳ; phát hành tập san về CVĐC, xây dựng trang web riêng song ngữ Anh – Việt giới thiệu CVĐC Non nước Cao Bằng…
Năm 2018, tổ chức UNESCO, Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng đạt danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO nhận định: Công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với 130 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của trái đất, trong đó có nhiều di sản địa chất tầm cỡ quốc tế là lợi thế cho Cao Bằng quảng bá rộng rãi các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa đặc sắc riêng có với bạn bè trong nước và quốc tế; mở ra cơ hội lớn thu hút khách trải nghiệm 4 tuyến du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, gồm: Tuyến 1 hướng phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” huyện Hòa An – Hà Quảng; Tuyến 2 hướng phía Tây “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình; Tuyến 3 hướng phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang; Tuyến 4 hướng phía Nam “Một thời hoa lửa” từ thành phố Cao Bằng, Quảng Hòa- Thạch An.
Về sức hấp dẫn trải nghiệm du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng, chị Đoàn Hải Lê, du khách Quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Từ năm 2018, Cao Bằng có danh hiệu CVĐC toàn cầu đến nay, mỗi năm tôi chọn một tuyến trải nghiệm CVĐC bởi mỗi tuyến có một vẻ đẹp, sự lôi cuốn khác nhau với bản sắc độc đáo riêng. Mùa xuân tôi đã trải nghiệm tuyến phía Bắc “Hành trình về cội nguồn” tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tìm hiểu về Bác Hồ hoạt động cách mạng và hòa mình vào Lễ hội Pác Bó với lời Then, điệu tính mượt mà say đắm lòng người. Mùa thu đi tuyến phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” ngắm thác Bản Giốc nước đổ hùng vĩ trên cánh đồng lúa chín vàng, ăn hạt dẻ Trùng Khánh vò cốm nếp Ong thơm ngọt… Nếu có thời gian, tôi chỉ ưu tiên trải nghiệm du lịch Cao Bằng.
Thúc đẩy phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng 4 tuyến trải nghiệm CVĐC mang những nét đặc sắc riêng. Đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ người dân vừa khai thác di sản văn hóa bản địa làm mới sản phẩm du lịch, tạo sinh kế mới gắn với nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ các di sản địa chất và văn hóa truyền thống. Từ đó đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch Cao Bằng đặc sắc, riêng có thu hút khách du lịch đến Cao Bằng tăng nhanh. Ước năm 2024, số khách du lịch đến Cao Bằng đạt khoảng 2 triệu lượt, tăng gấp 3 lần so với năm 2018.
Đánh giá của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản về vai trò CVĐC toàn cầu UNESCO trong phát triển bền vững: Sự hình thành và phát triển của các CVĐC toàn cầu giữ vai trò quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội và góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa. Đặc biệt, phát triển các loại hình du lịch CVĐC, du lịch bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện về phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương nơi có CVĐC.
|
Nguồn: https://baolangson.vn/cao-bang-hoi-tu-va-lan-toa-gia-tri-di-san-cong-vien-dia-chat-toan-cau-bai-1-5020654.html