Theo các chuyên gia kinh tế và năng lượng, phải tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, hợp lý và kịp thời giá điện để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định cho doanh nghiệp, như vậy mới có nguồn cung ứng bảo đảm.
Đây là ý kiến được các chuyên gia kinh tế, năng lượng nêu ra tại Tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, chiều ngày 7/11
Các chuyên gia tại Tọa đàm *Cung ứng điện cho năm 2024″ – Ảnh: VGP
‘Đáp ứng nhu cầu về điện trong mọi tình huống’ và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ
Là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, điện năng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh-quốc phòng của đất nước.
Trong bảo đảm các cân đối cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề về bảo đảm cân đối điện năng; yêu cầu khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc của ngành điệnvà nhấn mạnh quan điểm, mệnh lệnh dứt khoát là phải bảo đảm “đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống”; có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động chỉ đạo bảo đảm cung ứng điện trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV là hoạt động rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Thường trực Chính phủ đã nhận thức đúng vai trò của điện năng trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, điện đi trước một bước”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đức Kiên nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Ảnh: VGP
Dẫn ra những nỗ lực cụ thể của Chính phủ, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết, ngay trong nửa cuối năm 2021, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trực tiếp nghe lại Tổng sơ đồ điện VIII. Trong năm 2022, sau khi hết dịch, Thủ tướng Chính phủ cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cho các dự án cụ thể như: Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2… là những công trình đã khởi công từ lâu nhưng chậm tiến độ do khó khăn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 đã đi vào hoạt động.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đường dây 500 kV mạch 3, để góp phần truyền tải được phần năng lượng dôi dư ở khu vực miền Trung ra miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như một số ngày và một số tuần trong mùa hè năm 2023.
Có thể nói, cùng với cam kết trung hoà phát thải mà Thủ tướng đã cam kết tại COP 26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã rất quyết liệt, lấy đó là một trong những trọng tâm để đẩy mạnh phát triển đồng bộ cả về nhiệt điện, thuỷ điện, truyền tải cũng như năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý trong năm 2023, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu lại cơ chế điều hành giá điện hài hoà hơn, nhất là hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và ngân sách nhà nước.
Đề cập đến 2 dự án quan trọng của ngành điện là chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn và dự án đường dây 500kv mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và đúng hướng
Theo ông Hồi, trước mắt sự kỳ vọng vào những nguồn điện ổn định là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là những nguồn mà chúng ta đã đưa ra, ví dụ như nhiệt điện.
Tuy nhiên theo phân tích của chuyên gia này, đầu tư cho ngành điện, ngoại trừ điện mặt trời còn những nguồn khác chúng ta không thể nào đốt cháy giai đoạn để nhanh được.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi tại Tọa đàm -Ảnh:VGP
Đối với dự án đường dây 500kv mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết đây là dự án nằm trong lộ trình tương đối rõ ràng của ngành điện. Tuy nhiên, để dự án hoàn thành theo tiến độ thì cần có sự vào cuộc của nhiều bên, sự quyết tâm của nhiều đơn vị. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải có những quyết sách như chúng ta làm đường dây 500kv mạch 1 trước đây.
Đề xuất giải pháp góp phần bảo đảm cung ứng điện trong bối cảnh hiện nay, PGS. TS Bùi Xuân Hồi cho rằng nguồn nhanh nhất có thể đưa vào đó là nguồn năng lương tái tạo.
Theo ông Hồi cần có cái cơ chế để huy động ngay nguồn này vì đã hoạch định rồi nhưng vấn đề là phải thực thi, liệu chúng ta có thể quay lại cơ chế giá cố định (giá FIT) hay không, giá FIT là bao nhiêu, liệu sản lượng thừa chúng ta có mua lại của những hộ dân đã làm công trình điện mặt trời áp mái hay không?
“Tất cả những cái đó tôi cho rằng có thể làm được và làm nhanh để giải quyết nhu cầu tức thời của năm 2024”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
Còn nhiều bất hợp lý, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện.
Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.
Vị chuyên gia này phân tích, giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc thù, chúng ta vừa trải qua thời kỳ dịch COVID-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá điện chúng ta chưa thực sự đảm bảo theo tín hiệu của thị trường.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết, chúng ta cố gắng giữ giá điện, chỉ tăng giá 3% trong vòng 4 năm.Cái được của chúng ta là đảm bảo an sinh và đảm bảo mục tiêu vĩ mô khác.
Những rủi ro có thể không đến ngay, nhưng chỉ cần thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian rất ngắn thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chúng ta đã thiệt hại lên đến 1,4 tỷ USD.
“Do đó, chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để đảm bảo ngành phát triển bền vững, và từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được đảm bảo”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
PGS. TS chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long -Ảnh:VGP
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong đầu tư một số nguồn điện, giá là một “điểm nghẽn” rất quan trọng. Chúng ta biết điện là một lĩnh vực độc quyền, Nhà nước quy định giá.
“Hiện nay trên thị trường năng lượng có 2 mặt hàng hết sức quan trọng với vấn đề an ninh năng lượng, đó là điện và xăng dầu. Những lĩnh vực này, ngành này, Nhà nước quy định giá”, ông Long cho biết.
Theo phân tích của PGS. TS Ngô Trí Long, đối với ngành điện, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm, luôn coi điện là nguồn đầu vào quan trọng, tác động tới mọi mặt của nền kinh tế.
“Tuy nhiên, điều hành giá điện, ngoài theo cơ chế thị trường, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước”, ông Long nhấn mạnh.
Từ thực tế điều hành giá điện trong thời gian qua, chuyên gia nêu quan điểm, Nhà nước cần điều tiết ở chính sách an sinh xã hội; nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, việc điều tiết giá điện có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, cũng như các bộ ngành có liên quan.
Nhìn nhận những bài học kinh nghiệm và tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc trong những ngày cao điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2023, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng phải xem xét nguyên nhân chủ quan và khách quan từ đâu. Đồng thời kiến nghị phải đẩy nhanh tiến độ các dự án còn đang chậm tiến độ.
“Vấn đề khác là đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào. Chúng ta thấy nguồn nhiệt điện chiếm tỉ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước thì hạn chế, có mức độ, phải nhập. Cho nên phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc”, ông Long nêu quan điểm.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, khi quyết định giá, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời. Đúng, đủ nhưng phải ba năm sau mới ‘kịp thời’ thì không nên.
Trong tình hình như vậy, theo quan điểm PGS.TS Ngô Trí Long, đối với một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quyết định, chúng ta phải tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định cho doanh nghiệp, như vậy mới có nguồn cung ứng đảm bảo.
Dẫn ra ví dụ cụ thể về kinh nghiệm ngành điện của bang Carlifornia (Hoa Kỳ), có thời kỳ giữ vị thế độc quyền. Chính quyền quy định giá quá thấp so với giá thị trường, doanh nghiệp thua lỗ không thể tồn tại, không thể phát triển được, dẫn đến thiết hụt điện. Đây là một bài học cực kỳ quan trọng, chuyên gia kinh tế này cho biết.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/can-tra-gia-dien-ve-dung-theo-co-che-thi-truong-102231107184519746.htm