Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dứt khoát không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà ở thời điểm này.
Chia sẻ tại hội thảo tham vấn kỹ thuật Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu diễn ra chiều nay (4/5), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Không cần đề cập đến câu chuyện giá 0 đồng, mà “dứt khoát không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà” ở thời điểm này.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận dự thảo lần thứ nhất có một số khái niệm không phù hợp giữa tên gọi và chính sách, cơ chế bên trong, đây chính là điểm mâu thuẫn và ban soạn thảo sẽ có điều chỉnh.
“Nói điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu thì không có hoạt động mua bán và giá cả ở đây. Bộ Công thương tiếp tục trưng cầu ý kiến chuyên gia pháp luật, chuyên gia năng lượng để hoàn thiện dự thảo“, ông Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương cũng khẳng định, cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu để bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.
Bên cạnh đó, làm giảm áp lực đầu tư từ Nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.
Ngoài ra, thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Trong dự thảo nghị định, Bộ Công thương đề xuất 3 cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu: không phụ thuộc vào Quy hoạch điện VIII, không cần tuân thủ quy định về quy hoạch đất đai năng lượng, không cần giấy phép hoạt động điện lực, đơn giản các thủ tục triển khai… đây là những cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Theo đó, Bộ trưởng Công thương cho rằng, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trong giai đoạn hiện nay sẽ dẫn tới phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt là dẫn tới mất cân đối cơ cấu nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Ngoài ra, cơ chế cho phép mua bán nguồn điện này là cổ súy trục lợi chính sách khi các chủ đầu tư nguồn điện này không phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, do được hưởng những cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Nếu cho phép mua bán điện mặt trời tự sản tự tiêu sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề về an toàn, xử lý môi trường và đặc biệt là xung đột lợi ích giữa tổ chức, cá nhân đầu tư vào nguồn điện này với nhà đầu tư nguồn điện nền (thủy điện, nhiệt điện…)
Tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng thẳng thắn góp ý, khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản tự tiêu bán điện vào lưới, ông đồng tình với Bộ Công Thương về quy định “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng”.
PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa cũng ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.
“Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30 – 40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng có 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể nào điều độ được”, PGS Nguyễn Việt Dũng phân tích và thông tin thêm.