Sáng 12-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chính về nội dung này.
Nêu câu hỏi chất vấn, theo đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), kinh tế báo chí là một ngành kinh tế có thể tạo ra lợi nhuận lớn và là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và mạng xã hội, thông tin sai lệch, tin giả xuất hiện tràn lan, vậy ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí, thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện và chiếm 80% quảng cáo trực tuyến, nếu tính tổng cả quảng cáo trực tuyến lẫn trực tiếp cũng chiếm khoảng 60%, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu, trong khi số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình; chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, và thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội, dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa Luật Báo chí sắp tới để trình Quốc hội, rất mong Quốc hội ủng hộ, giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Nguồn: https://baolangson.vn/bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-tap-trung-dau-tu-cho-6-co-quan-bao-chi-chu-luc-5028211.html