– Sáng 28/12, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính Hà Nội tới 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Lạng Sơn
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Lạng Sơn. Cùng dự có lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, hầu hết các mặt công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời. Bộ đã trình Chính phủ 13/13 dự thảo Nghị định, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định; bộ đã ban hành theo thẩm quyền 40 thông tư, công bố hết hiệu lực thi hành 99 văn bản.
Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án tiếp tục được triển khai quyết liệt. Trong năm 2023, bộ đã khởi công 26 dự án, đã hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên trên 1.890 km.
Trong năm 2023, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt trên 2.000 triệu tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2022; luân chuyển hàng hóa tăng trên 10%; vận chuyển hành khách ước đạt trên 4.200 triệu lượt khách, tăng 11,5% so ; luân chuyển hành khách tăng gần 24%.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai quyết liệt, đồng bộ, ngành đã và đang xử lý 34 điểm đen, 49 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đặc biệt, năm 2023 là năm Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch nguồn vốn lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 94,1 nghìn tỷ đồng gấp 1,7 lần so với năm 2022. Đến hết tháng 12/2023, ước giải ngân ước đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ sẽ giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn giao và là một trong các bộ, ngành trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất cả nước.
Cùng đó, công tác xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục hành chính đã và đang được cắt giảm, đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống, hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá cao công tác điều hành, kết quả đạt được của Bộ Giao thông Vận tải năm 2023. Đặc biệt là trên lĩnh vực quản lý dự án các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành. Cùng đó, các địa phương kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hỗ trợ các tỉnh trong thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hướng dẫn xây dựng định mức đơn giá xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, sớm có kết quả nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế cát sông phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đạt được của ngành giao thông vận tải trong năm 2023. Đồng chí nhấn mạnh: trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, việc triển khai các nhiệm vụ chính trị được Đảng, nhà nước giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nặng nề và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, ngành giao thông vận tải đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mục tiêu đề ra của ngành trong năm 2023; nhất là triển khai hiệu quả các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, giải ngân vốn đầu tư công đạt cao, phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ được giao…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ lưu ý ngành giao thông vận tải tiếp tục phát huy kết quả đạt được thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương thực hiện các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, quản lý chất lượng tiến độ các công trình dự án; chủ động tham mưu Trung ương Đảng, Chính phủ trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng lĩnh vực trong ngành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, đồng chí yêu cầu bộ phối hợp với các địa phương ngay từ đầu năm 2024 đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc phía Đông, tổ chức khởi công các công trình dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP…