Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo “chảy” về mạng xã hội.
Do vậy, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có cần sự hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội trong quan hệ kinh tế, quảng cáo theo hướng cùng chia sẻ lợi ích hay không? Nếu có thì cần hành lang pháp lý như nào để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận đây là câu hỏi rất hay; đồng thời đặt vấn đề: Thay vì cạnh tranh thì mình có hợp tác được không? “Tôi nghĩ trong thế giới bây giờ đây là cách tốt nhất, không chỉ riêng trong lĩnh vực này mà trong nhiều lĩnh vực”- Bộ trưởng bày tỏ.
Về cạnh tranh với mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí muốn cạnh tranh với mạng xã hội để có nhiều độc giả, những độc giả chất lượng hơn, từ đó tăng được quảng cáo, nguồn thu thì cần làm khác mạng xã hội. Theo đó, báo chí muốn giữ vững vị thế thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, báo chí cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội. Báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, để thông tin trên báo chí mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội.
Về vấn đề hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, việc hợp tác với mạng xã hội có 2 nội dung đang được tiến hành. Một là hầu hết cơ quan báo chí đều có tài khoản hoặc có trang trên mạng xã hội để xuất hiện ở chỗ đông người, nhiều độc giả. Theo đó, sắp tới khi sửa Luật Báo chí, có thể xem xét trình Quốc hội theo hướng này: “Trước đây cứ phải đăng tin trên báo trước rồi mới được phép đưa thông tin đó ra các tài khoản của cơ quan báo chí trên mạng xã hội. Giờ thì có thể xem xét cho xuất hiện trước trên mạng xã hội”, Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng cho biết, trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng thay thế Nghị định số 72/2013 vừa được ký ban hành đã bổ sung quy định các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với cơ quan báo chí. Đã có những quốc gia yêu cầu các nền tảng xã hội chia sẻ doanh thu với cơ quan báo chí, nếu không thỏa thuận được con số cơ quan Nhà nước sẽ vào cuộc. “Tới đây, khi sửa Luật Báo chí thì có quy định việc này, có nghĩa rằng nên coi mạng xã hội là một đối tượng hợp tác nhiều hơn là một đối tượng cạnh tranh. Tôi nghĩ hướng này là một hướng rất tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/bao-chi-va-mang-xa-hoi-canh-tranh-hay-hop-tac-5028212.html