Đội bóng Hội Nông dân huyện Bắc Sơn tham gia thi đấu giải bóng chuyền hơi chào mừng thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X
– “Qua theo dõi cho thấy, những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH)” và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.” Đó là nhận xét của ông Vương Minh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội, HND tỉnh khi đánh giá về việc xây dựng đời sống văn hóa tại huyện Bắc Sơn.
Bắc Sơn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, phong tục tập quán sinh hoạt độc đáo của người bản địa… Những năm qua, lĩnh vực kinh tế, xã hội của huyện đã có bước phát triển rõ nét, đặc biệt là trong phong trào TDĐKXDĐSVH. Có được kết quả đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các cấp HND trên toàn huyện.
Ông Dương Đức Cường, Chủ tịch HND huyện Bắc Sơn cho biết: Toàn huyện hiện có trên 11.800 hội viên nông dân (HVND), chiếm 89% tổng số hộ nông nghiệp. Do đó, hội luôn xác định đây là lực lượng đông đảo, nòng cốt trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Để phong trào đi vào chiều sâu, tạo sự đồng thuận của cán bộ và toàn thể HVND, các cấp hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: lồng ghép tuyên truyền thông qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, các hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư, qua hệ thống truyền thanh, băng rôn, pa-nô, khẩu hiệu, cổ động… để HVND nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp trong thực hiện phong trào.
Theo đó, xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống HVND là một trong những tiêu chí quan trọng trong phong trào TDDKXDĐSVH nên các cấp hội tích cực vận động HVND tham gia Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững”. Các cấp hội tăng cường hỗ trợ HVND về vốn, khoa học kỹ thuật… Đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã và đang thực hiện 26 dự án cho 222 hộ vay với số vốn trên 8,1 tỷ đồng; thực hiện nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 107 tỷ đồng cho gần 2.000 hộ vay để trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, lợn… Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, hội phối hợp tổ chức hơn 350 cuộc tập huấn khoa học kỹ thuật theo chiều hướng nâng cao chất lượng các sản phẩm thế mạnh của huyện như: kỹ thuật trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế… cho trên 27.000 lượt HVND tham gia …
Đồng thời, hội tăng cường đào tạo nghề cho HVND có nhu cầu. Theo đó, trong 5 năm qua, các cấp hội đã tổ chức đào tạo nghề về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 3.300 lượt HVND, sau khi được đào tạo, trên 90% nông dân biết áp dụng vào thực tế. Phong trào góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 170 ha tại các xã: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Đồng Ý, Tân Lập, Bắc Quỳnh; vùng trồng quế, diện tích trên 1.000 ha tại các xã: Vạn Thủy, Tân Tri… Nhờ đó, số hộ HVND đạt danh hiệu hộ SXKDG ngày càng cao qua các năm. Năm 2023, toàn huyện có 1.401 hộ đạt danh hiệu này (tăng 144 hộ so với năm 2022 và là một trong hai địa bàn có số hộ SXKDG cao nhất trên toàn tỉnh).
5 nội dung cơ bản của Phong trào “TDĐKXDĐSVH”: đoàn kết giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. |
Song song với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn cũng được các cấp hội quan tâm triển khai đến HVND. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã vận động HVND hiến trên 188.000 m2 đất, đóng góp gần 6,5 tỷ đồng, hỗ trợ trên 200.000 ngày công… để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, làm đường giao thông nông thôn, … Hiện toàn huyện có 12/18 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã; 18/18 xã, thị trấn có sân tập thể thao cấp xã; 148/149 thôn có nhà văn hóa (trong đó có 90/148 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn). Đặc biệt, so với các huyện khác thì phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ở Bắc Sơn phát triển mạnh. Hiện toàn huyện có hơn 120 đội văn nghệ và 83 câu lạc bộ (CLB) thể thao, 57 CLB văn nghệ, trong đó có hơn 60% thành viên các đội, câu lạc bộ là HVND tham gia. Các đội văn nghệ, CLB thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu hoặc biểu diễn phục vụ đông đảo người dân.
Anh Nông Văn Thủy, HVND xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào thể thao tại xã ngày càng phát triển nên hằng ngày, sau những buổi làm việc mệt mỏi, chúng tôi đều tham gia chơi bóng chuyền tại sân thể thao của xã. Không chỉ vậy, khi có dịp chúng tôi còn được tham gia thi đấu thể thao cấp huyện, tỉnh và đạt nhiều thành tích cao. Tiêu biểu như năm 2023, tôi và các thành viên khác được HND huyện lựa chọn tham gia thi đấu và đạt giải nhất giải bóng chuyền hơi chào mừng thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X.
Còn tại xã Bắc Quỳnh – một trong những địa bàn có phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển, ông Dương Hữu Bắc, Chủ tịch HND xã Bắc Quỳnh cho biết: Sau những giờ lao động căng thẳng, mỗi buổi chiều, bà con thường tập trung tại sân thể thao của các thôn để chơi bóng chuyền, cầu lông, nhảy dân vũ… Được biết, hiện toàn xã có gần 800 hộ HVND thì có trên 70% số hộ tham gia luyện tập thể thao thường xuyên. Đáng chú ý, hiện cả 9 thôn trong xã đều thành lập đội văn nghệ và thể thao, hằng năm, các đội thường xuyên tổ chức giao lưu, sinh hoạt định kỳ và phục vụ các hoạt động văn hóa – văn nghệ ở địa phương.
Bên cạnh đó, việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được HVND thực hiện tốt: 100% làng, bản, khối phố đưa các quy định cụ thể về việc cưới, tang, lễ hội vào trong quy ước để bà con thực hiện, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ. Các lễ hội trên địa bàn hằng năm đều được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về trẩy hội.
Ngoài những nội dung trên, các nội dung khác trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH” cũng được HVND tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có thể thấy, việc triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp của các cấp HND đã góp phần đưa Phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn huyện ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, tạo sự đồng thuận cao trong HVND. Toàn huyện hiện có 10.523 hộ gia đình nông dân văn hóa và là một trong hai địa bàn có số hộ HVND đạt gia đình nông dân văn hóa cao nhất tỉnh. Nhờ thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện còn 11,61% (giảm 7,77% so với năm 2018), thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm (tăng 19 triệu đồng so với năm 2018), 9/17 xã đạt chuẩn NTM…