– Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học đã vô cùng phát triển, công nghệ đã tiến bộ vượt bậc. Thế nhưng, một thực tế là hiện nay, dường như con người vẫn quá dễ dàng tin vào những thuyết “siêu nhiên”, phi khoa học, dưới sự dẫn dắt của niềm tin tôn giáo. Các tà đạo, đạo lạ, hiện tượng tôn giáo mới… không ngừng xuất hiện và du nhập. Sự “bất chính” của các “chính đạo” gây hoang mang không nhỏ trong dư luận… Đó không chỉ là các vấn đề về văn hóa, xã hội mà sâu xa hơn, còn là một mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để đơm đặt, xuyên tạc, hòng làm lung lay gốc rễ tinh thần, cội nguồn văn hóa của con người Việt Nam nhằm phục vụ mưu đồ chính trị. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trên góc nhìn thực tiễn để nhận diện và sẵn sàng đối mặt.
Kỳ I: Mảng tối nơi “đức tin” gửi gắm
“Đức tin”, hay niềm tin tôn giáo có sức mạnh vô cùng lớn lao. Đức tin của những tôn giáo lâu đời, chính thống đều hướng con người đến những điều tốt đẹp, thiện lành. Có những giáo lý, giáo luật có tác dụng giáo dục phẩm chất đạo đức, quản thúc và điều chỉnh hành vi của con người còn hiệu quả hơn cả hệ thống pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng lợi dụng điều này, các tà đạo, đạo lạ, hiện tượng tôn giáo mới (sau đây gọi chung là tà đạo) đã đẩy mạnh hoạt động, thậm chí một số tổ chức, cá nhân thuộc các tôn giáo chính thống có những hành vi sai trái đã hình thành những “mảng tối” của xã hội.
Những năm gần đây, các hiện tượng tôn giáo mới và tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, các “tà đạo” mượn danh nghĩa các tín ngưỡng dân tộc và giáo lý, giáo luật các tôn giáo để hoạt động xuất hiện ngày càng nhiều, mở rộng địa bàn hoạt động đến nhiều tỉnh, thành phố.
Nở rộ các “tà đạo” và sự “bất chính” của chính đạo
Tính sơ bộ hiện nay có khoảng 100 “tà đạo” đã và đang tác động tiêu cực tới xã hội, biểu hiện rõ ràng nhất là các vụ vi phạm pháp luật như: vụ án “Giết người giấu xác trong bê tông” tại tỉnh Bình Dương (2019), do Phạm Thị Thiên Hà chủ mưu liên quan tới tu tập theo “Pháp luân công”; vụ án Lê Tùng Vân (92 tuổi) lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân và loạn luân. Ngoài ra, không thể không kể đến các tà đạo khác như: Hội thánh đức chúa trời Mẹ, đạo Giê-sùa, đạo Bà Cô Dợ, Tin lành Đề Ga, Thanh Hải vô thượng sư, Hoàng Thiên Long… với điểm chung là có những “giáo luật” đi ngược lại tiến bộ khoa học và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam như: bỏ bát hương tổ tiên, có bệnh không đi bệnh viện mà chỉ cầu nguyện, uống “nước thánh”, bỏ học, bỏ làm… gây ra những hệ lụy như mất tình cảm ruột thịt, họ hàng, làng xóm; bị bệnh nặng hơn và tử vong do không được cứu chữa kịp thời.
Hiện nay, ở nước ta có 16 tôn giáo với 43 tổ chức tôn giáo, khoảng 24,2 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số) được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động, với các tôn giáo chính như: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Tin Lành, Cao Đài…. Về cơ bản, các tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo đều góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, chính một số cá nhân, tu sĩ thuộc các tổ chức tôn giáo chính thống (chính đạo) cũng có nhiều sai phạm, bê bối, gây sóng gió dư luận, khiến Nhân dân bị lung lạc niềm tin. Đây cũng là “cơ hội vàng” để các tà đạo thừa cơ nở rộ.
Có thể kể đến một số vụ việc nổi cộm như: linh mục Nguyễn Đức Nhân quản xứ Kẻ Gai (Nghệ An) kích động bà con giáo dân phá mương thủy lợi (12/2017); linh mục Đặng Hữu Nam quản xứ Phú Yên thường xuyên giảng đạo xuyên tạc ý nghĩa lịch sử, chống đối chính quyền, tổ chức giáo dân tuần hành, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
Phật giáo với tư cách là tôn giáo lớn nhất ở nước ta hiện nay cũng có không ít các sự việc nổi cộm, tác động sâu sắc đến niềm tin của Nhân dân như: “dịch vụ” giải “oan gia trái chủ” (2019) và trưng bày “xá lợi tóc Phật” tại chùa Ba Vàng (12/2023). Một số tu sĩ Phật giáo cũng có những bài giảng pháp mang tính chất “hù dọa”, làm gì cũng dễ bị “tổn phước” bị “nghiệp báo”, và con đường giải thoát cho tất cả những điều dễ dàng phạm phải đó đều hướng đến lợi ích vật chất của chùa, đó là “cúng dường” để giải nghiệp, tích phước (Thượng tọa Thích Chân Quang, sư cô Thích Giác Hiếu); một số tu sĩ cũng gây tranh cãi về tác phong, ngôn từ thô tục: Thích Nhuận Đức giảng pháp có từ ngữ gợi về bộ phận sinh dục, Thích Nhật Từ dạy về quan hệ tình dục… Họ được người dân gọi bằng những danh xưng không mấy lọt tai như “ma tăng”, “xàm tăng”, “thợ tu”[1]… Hay có lời giảng mang tính chất chia rẽ, phân biệt, hạ bệ tôn giáo khác (đạo Phật – đạo Thiên Chúa).
Số ít tu sĩ kể trên không đại diện cho tất cả. Thế nhưng với sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, những clip giảng đạo được lan truyền rộng rãi, kéo theo “làn sóng” dư luận, người tin – kẻ mắng tranh cãi không dứt. Thế nhưng, đằng sau những vụ việc ấy, có một thứ tổn hại sâu sắc hơn, đó là sự khủng hoảng niềm tin.
Nhìn từ một “hiện tượng tôn giáo mạng”
Chưa bao giờ một tôn giáo lớn như Đạo Phật lại xuất hiện trên mạng xã hội sôi nổi như từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, với những nhân vật được ví như những “KOLs[2] Phật giáo”. Và từ tháng 4 vừa qua, ông Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú) xuất hiện và bất đắc dĩ trở thành một “hiện tượng tôn giáo mạng”, tạo ra một “cơn sốt Phật giáo” chưa từng có trên mạng xã hội. Lựa chọn lối tu “hạnh đầu đà” khắc khổ, buông bỏ danh lợi thế tục, mặc dù đã thực hành 6 năm, nhưng nhờ mạng xã hội, ông được “đôn” lên là “Đức Phật tái sinh” để chấn hưng Phật giáo, là Bác Hồ tái sinh để cứu đất nước Việt Nam (khỏi điều gì?!). Và rất nhanh, các trang phản động đã nắm bắt lấy cơ hội này để lôi kéo, kích động nhân tâm, quy chụp cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) là “ăn hại”, “đồ bỏ”, và những điều đen tối ấy là dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam?! Rồi chúng vẫn tiếp diễn luận điệu sai trái về nhân quyền ở Việt Nam, dưới danh nghĩa tự do tôn giáo.
Sự “cuồng tín” sư Minh Tuệ không chỉ dừng lại ở đó: người ta quỳ lạy ông, đốt giấy tờ tùy thân để đi theo ông, bất cứ ai cạo đầu, ăn mặc chắp vá, ôm lõi nồi cơm điện đi theo ông đều thành “thầy”, “hộ pháp”,…
Khi GHPGVN lên tiếng về sư Minh Tuệ “không phải là tu sĩ Phật giáo” thuộc hội, thì dư luận lại cho rằng Giáo hội “vùi dập” người tu. Lợi dụng đoàn người đi theo sư Minh Tuệ đông đúc, đã có đối tượng tuyên truyền về “Pháp Luân Công”, một đoàn ăn mặc giống ni cô tuyên truyền về “đạo Nhân Quả” (chưa được công nhận, có yếu tố nước ngoài). Thậm chí có người tử vong, nhiều người ngất vì sốc nhiệt, giao thông tắc nghẽn, lừa đảo trà trộn… Những sự “ăn theo” này chính là hệ lụy xã hội của lối tu tự phát, không có quản lý. Đạo Phật là một tôn giáo đề cao sự giác ngộ, tỉnh thức của con người. Vậy mà còn quá nhiều người cuồng tín, u mê bất chấp.
Ngày 3/6/2024, dưới sự vận động của Ban tôn giáo Chính phủ, ông Minh Tuệ tự nguyện từ bỏ bộ hành khất thực. Ngay sau đó, ngày 4/6 cây bồ đề di sản 300 tuổi (Hải Dương) bật gốc do mưa lớn, ngày 5/6 Hà Nội hứng chịu hơn 10.000 cú sét… Tất cả những điều đó lại bị lợi dụng, tuyên truyền rằng: đó là ông trời “khóc thương” sư Minh Tuệ bị (chính quyền, giáo hội) bắt bí đường tu, và giáng đòn “trừng phạt” xuống Hà Nội, Hải Dương vì điều đó, sư Minh Tuệ đã bị “thủ tiêu”… mà lờ đi những phân tích của giới khoa học về hiện tượng trên, cũng như những hình ảnh về sự an toàn của ông Minh Tuệ trên Đài truyền hình quốc gia (VTV1). Có thể hình dung, dư luận dễ bị dẫn dắt như thế nào. Tất nhiên, ý kiến phản bác những luận điệu trên không ít, nhưng rõ ràng, phần lớn dư luận sẽ tin theo những biểu hiện bề nổi và dễ ngả chiều theo thông tin tiêu cực.
“Tà đạo” là những tổ chức tôn giáo gây hại cho con người và đời sống xã hội, đời sống chính trị và nền tảng tư tưởng. Thế nhưng, những biểu hiện, hành vi lệch lạc của một số cá nhân trong các tổ chức tôn giáo, hay sự sùng bái quá đà một hiện tượng nào đó cũng có hại không hề kém cạnh so với các “tà đạo” hiện nay. Chấn chỉnh các hoạt động, hành vi lệch chuẩn về tôn giáo, ngăn chặn tà đạo gây hại cho xã hội là một công tác liên quan tới nhiều mặt: pháp luật, xã hội, văn hóa, là sự thách thức của công tác tư tưởng.
Trong khi cuộc đấu tranh về tư tưởng trong lĩnh vực tôn giáo – việc ngăn chặn các tà đạo có hại du nhập vào nước ta còn chưa đi đến hồi kết, thì việc chấn chỉnh các hoạt động, các cá nhân sai phạm, trái với pháp luật, giáo lý giáo luật của các tôn giáo không chỉ là thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật, mà hơn cả, là hợp với lòng dânn
(Còn nữa)
[1] Ngôn ngữ mạng xã hội
[2] Cụm từ viết tắt của Key Opinions Leaders, nghĩa là những người có sự ảnh hưởng đến mọi người trên các nền tảng mạng xã hội
Nguồn: https://baolangson.vn/anh-sang-va-duc-tin-ky-i-5026591.html