Tổng cục Quản lý thị trường đã có chuyên đề kiểm tra cho từng địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sử dụng thực phẩm không an toàn đưa vào tiêu thụ trong dịp Tết Trung thu.
Hoạt động kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc có xu hướng tăng cao trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, vào dịp trước Tết Trung thu, khi sức mua các mặt hàng mứt, kẹo, bánh Trung thu nhiều thì nguy cơ về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Hàng không rõ nguồn gốc len lỏi
Trong hai ngày 6/8 và 7/8, Đoàn kiểm tra liên ngành do Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) làm Trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra hai cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa trên địa bàn quận Ba Đình đã phát hiện nhiều sản phẩm bánh kẹo nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm, trong đó lực lượng chức năng thu giữ gần 600 bánh nướng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, cũng như không rõ chất lượng sản phẩm.
Không chỉ tại các điểm tạp hóa, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra ngay tại các làng nghề để đảm bảo ngăn chặn các hành vi vi phạm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đó, ngày 13/8, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra đối hộ kinh doanh bánh kẹo tại số 161, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức, Thành Phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 240 bánh trung thu (Bánh nướng, loại 500g/cái), nhãn bằng chữ nước ngoài cùng 72 gói bánh kem xốp loại 200g/gói, nhãn bằng chữ nước ngoài.
Xác định những thị trường lớn, đông dân cư như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… là địa bàn trọng điểm với sức mua lớn, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh để ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu có xu hướng tăng lên. Với các biện pháp nghiệp vụ, ngày 15/8, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã phát hiện, tạm giữ hơn 1.800 cái bánh trung thu các loại nhập lậu trên địa bàn đường Kỳ Đồng, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
“Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn vẫn còn một số tổ chức, cá nhân đưa thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn sản phẩm an toàn cho bản thân và gia đình,” đại diện Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng khuyến nghị.
Đẩy mạnh kiểm soát thị trường
Có thể thấy, lĩnh vực an toàn thực phẩm luôn là chủ đề nóng. Mỗi năm, chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm.
Riêng mặt hàng bánh Trung thu, thủ đoạn của các gian thương cũng ngày càng tinh vi. Ông Vương Bá Dũng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) thông tin, qua thực tế kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số cơ sở trà trộn cùng các loại hàng hóa khác có giấy tờ và xếp lẫn với nhau để qua mặt cơ quan chức năng. Hơn nữa, nhiều đối tượng còn sử dụng các địa điểm khuất, nằm sâu trong khu dân cư để dễ tiêu thụ.
Vì vậy, Đội đã chỉ đạo các cán bộ quản lý thị trường tăng cường nắm bắt địa bàn, kiểm soát tốt thị trường để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, để kiểm tra xử lý hàng hóa không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ đầy đủ, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
“Việc kiểm tra, xử lý đòi hỏi nghiêm túc, đúng quy định để giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm,” ông Vương Bá Dũng cho hay.
Thực tế, bánh Trung thu là mặt hàng kinh doanh thời vụ, do vậy nhiều cơ sở nhỏ lẻ vẫn chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy trình về an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) đánh giá, cũng như mọi năm, hoạt động sản xuất đã được bắt đầu từ trước tháng 7 Âm lịch và tiêu thụ chủ yếu trước ngày Rằm tháng 8.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào chưa rõ nguồn gốc, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên đôn đốc các đơn vị ở địa phương tăng cường kiểm tra.
Đặc biệt, Tổng cục đã có chuyên đề kiểm tra cho từng địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sử dụng các sản phẩm thực phẩm không an toàn đưa vào tiêu thụ trong dịp Tết Trung thu hiện nay.
Về nguyên liệu đầu vào (nhân bánh Trung thu), theo ông Nguyễn Đức Lê, vẫn còn một số cơ sở sử dụng nguyên liệu rẻ tiền cũng như quy trình chế biến ra thành phần bánh Trung thu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến chất lượng không đảm bảo so với các đơn vị có thương hiệu uy tín.
Thêm vào đó, ý thức của một số người tiêu dùng muốn mua sản phẩm rẻ mà chưa quan tâm đúng mức đến nguồn gốc xuất xứ, do đó đây cũng là kẽ hở để một số gian thương tuồn các loại bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào thị trường, từ đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Trung thu.
Vì vậy, xác định việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ trong dịp Tết Trung thu mà suốt cả năm, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm; kết hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân trong việc tiêu dùng thông minh, chỉ mua các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng đã được chứng nhận.
Ông Nguyễn Đức Lê cũng khuyến nghị người tiêu dùng khi mua sản phẩm bánh, mứt kẹo, đặc biệt trên thương mại điện tử cần chú trọng kỹ về nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là những bình luận và đánh giá của người mua hàng đối với các sản phẩm đó.
“Tổng cục Quản lý thị trường đã trực tiếp chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có sức tiêu thụ lớn, lãnh đạo Tổng cục sẽ có kế hoạch cụ thể và có chỉ đạo các Đội trực thuộc để tiến hành kiểm tra các thương hiệu lớn mà sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” ông Nguyễn Đức Lê cho hay./.
Nguồn: https://baolangson.vn/an-toan-thuc-pham-nang-cao-y-thuc-tieu-dung-tu-viec-mua-hang-co-nguon-goc-5019097.html