9 tháng đầu năm 2023, Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt khó, nỗ lực kinh doanh an toàn, hiệu quả, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ.
Cán bộ tín dụng Agribank tích cực đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
Giảm mạnh lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng
Trên cơ sở tiết giảm chi phí và giảm lãi suất huy động, Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay, theo đó đã giảm lãi suất 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh; giảm 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; giảm 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản…
Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank mong muốn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động.
Tuy hoạt động ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ nền kinh tế, nhưng Agribank chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ước tính, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ.
Agribank không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, các loại phí từ ngày phát sinh nợ quá hạn đến ngày khách hàng thực hiện trả nợ.
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế
Ngày 15/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng, đặc biệt là người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng thời hạn chế tín dụng đen, từ năm 2019, Agribank triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng với quy mô 5.000 tỷ đồng, cho vay tối đa 30 triệu đồng không có tài sản bảo đảm. Đến nay doanh số của chương trình đã vượt xa quy mô, đạt hơn 76.000 tỷ đồng với số khách hàng vay vốn hơn 834.000 khách hàng, dư nợ 1.617 tỷ đồng với gần 82.000 khách hàng.
Bên cạnh các giải pháp giảm lãi suất, năm 2023, Agribank đồng thời triển khai nhiều chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho nhiều đối tượng khách hàng. Cụ thể, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã cơ cấu lại nợ cho hơn 3.700 khách hàng với tổng dư nợ 33.607 tỷ đồng.
Triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31, Agribank đã hỗ trợ lãi suất cho 829 khách hàng; doanh số cho vay 13.312 tỷ đồng, dư nợ 4.564 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 77 tỷ đồng.
Ngoài ra để hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, Agribank không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, các loại phí từ ngày phát sinh nợ quá hạn đến ngày khách hàng thực hiện trả nợ.
Các chương trình tín dụng lãi suất thấp được Agribank triển khai tích cực với quy mô gần 10.000 tỷ đồng, đối tượng đa dạng như chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm thủy sản, khách hàng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, nhà ở xã hội,…
Đối với chương trình tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP, đến nay, Agribank đã phê duyệt 2 dự án nhà ở xã hội với số tiền phê duyệt 1.000 tỷ đồng, dư nợ 78 tỷ đồng. Agribank còn giảm tới 3% lãi suất cho khách hàng vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn còn dư nợ trong thời gian 31/1/2023 đến 31/12/2024.
Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nỗ lực tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng khách hàng, theo từng ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn.
Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên mới đây, một số đại diện DN tư nhân ở địa phương cho hay, đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu, số tiền vay còn hạn chế. Trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. Do đó, cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo nghành nghề, đáp ứng nhu cầu vốn cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh vào vụ mùa.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, sau Hội nghị, NHNN sẽ chỉ đạo Agribank là đầu mối cùng các ngân hàng thương mại khác nghiên cứu, khẩn trương đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tái canh cây cà phê, giúp cho việc thu mua chế biến xuất khẩu hiệu quả nhất.
Qua đó, các địa phương, các sở ban ngành, hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng có sự chủ động hơn để bà con tiếp cận vốn phục vụ cho mùa vụ.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank khẳng định, Agribank luôn tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ tín dụng cho tam nông. Tuy nhiên, ngoài các giải pháp từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
“Bản thân các DN cũng cần chủ động xây dựng các dự án, phương án kinh doanh khả thi tăng cường quản lý dòng tiền, minh bạch tài chính, chủ động tiếp cận đề xuất ngân hàng tháo gỡ khó khăn kịp thời”, lãnh đạo Agribank góp ý.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/agribank-tich-cuc-trien-khai-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-102231022184509067.htm