– Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Hữu Lũng (Agribank Hữu Lũng) đã triển khai có hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Cán bộ Agribank Hữu Lũng giải ngân nguồn vốn vay cho người dân
Những ngày đầu tháng 10/2023, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lợn của gia đình anh Vũ Quyết Sơn, thôn Đồng Bụt, xã Yên Bình. Chúng tôi ấn tượng bởi dãy chuồng trại quy mô, thoáng mát với đầy đủ các công đoạn nghiêm ngặt phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Anh Sơn chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi lợn được hơn 10 năm nay, với quy mô khoảng 100 con lợn nái. Năm 2020, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ Agribank Hữu Lũng, gia đình tôi đã lập dự án vay 3 tỷ đồng theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 để mở rộng quy mô chăn nuôi. Số vốn vay cùng với vốn đối ứng của gia đình, chúng tôi đã tăng đàn lên 200 con lợn nái và 1.000 con lợn giống. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán hơn 300 con lợn ra thị trường, đem lại thu nhập trên 800 triệu đồng/tháng. Với việc tái đầu tư quay vòng, quy mô trại lợn của gia đình ngày càng được mở rộng. Đến cuối năm 2022, gia đình tôi tiếp tục vay 6 tỷ đồng để đầu tư thêm cơ sở vật chất, máy móc.
“Những năm qua, Agribank Hữu Lũng luôn không khẳng định vị trí “đầu tàu” trong thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng nông thôn. Qua đó, giúp người dân kịp thời có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế những tiêu cực từ vấn nạn “tín dụng đen” ở nông thôn. Nhờ đó, trong 5 năm gần đây, chi nhánh luôn được Agribank Lạng Sơn tặng danh hiệu đơn vị hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh. Năm 2023, chi nhánh vinh dự được Tổng Giám đốc Agribank tặng giấy khen Chi nhánh loại II đạt thành tích xuất sắc năm 2022”. Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Agribank Lạng Sơn |
Không chỉ gia đình anh Sơn, nhiều hộ trên địa bàn huyện đã được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank Hữu Lũng để phát triển các mô hình kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay tại chi nhánh đạt trên 2.000 tỷ đồng (tăng 64 tỷ đồng so với năm 2022) với trên 5.300 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm trên 80% tổng dư nợ.
Ông Dư Chấn Hưng, Giám đốc Agribank Hữu Lũng cho biết: Để kịp thời cung ứng vốn đến người dân có nhu cầu vay vốn, chi nhánh đã thành lập 252 tổ vay vốn, với 1.606 thành viên tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cùng với đó, chi nhánh đẩy mạnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân huyện, chính quyền cơ sở tuyên truyền các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng, đặc biệt là các chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng đó, đơn vị đã phân công cán bộ tín dụng trực tiếp theo dõi, nắm địa bàn để phối hợp với các tổ trưởng tổ vay vốn tuyên truyền, tư vấn, định hướng các hộ lập hồ sơ vay vốn, sử dụng nguồn vốn phù hợp, hiệu quả.
Ông Vũ Ngọc Tuấn, Tổ trưởng Tổ vay vốn xã Quyết Thắng cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, tôi luôn chú trọng đến công tác bình xét đối tượng vay vốn và hướng dẫn các hộ đầu tư phù hợp. Sau khi cho vay, tổ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn đạt trên 2 tỷ đồng, với 37 thành viên, tỷ lệ thu lãi hằng tháng luôn đạt 100%.
Đối với các khách hàng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, chi nhánh thực hiện giao dịch từ 15 đến 19 phiên hằng tháng tại điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng. Nhờ đó, thay vì phải đến trực tiếp ngân hàng tại trung tâm huyện thì người dân có thể tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng ngay tại trụ sở UBND xã nơi sinh sống.
Qua triển khai thực hiện, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực, điều đó thể hiện qua chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,6% (dưới mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước); tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%.
Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là các gói cho vay theo chương trình ưu tiên, giảm ưu đãi lãi suất theo quy định của Chính phủ và của tỉnh. Trong đó, bám sát các chương trình, định hướng đầu tư của huyện như: phát triển lâm nghiệp, cây ăn quả… để tạo cơ hội cho người dân vay vốn.