Trong đó, chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, làm sâu sắc mối quan hệ nhân dân bền chặt, vốn trở thành nền tảng cho quan hệ song phương Việt Nam-Romania suốt 74 năm qua.
Quan hệ chính trị không ngừng được củng cố và phát triển
Việt Nam và Romania thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/2/1950. Trải qua 74 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước không ngừng được vun đắp và phát triển.
Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam trước đây, Rumani đã có nhiều ủng hộ và đóng góp thiết thực cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt, đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn kỹ sư, tiến sỹ và công nhân kỹ thuật trong các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, cơ khí chế tạo, điện, nông nghiệp… Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ này.
Trong suốt những năm qua, quan hệ chính trị tin cậy và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc ở cấp cao, tăng cường trao đổi đoàn ở cấp bộ, ngành, thể hiện sự đa dạng quan hệ hợp tác song phương, tạo cơ sở thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại hiệu quả.
Có thể kể đến những chuyến thăm điển hình trong những năm qua, như các chuyến thăm Romania của: Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 10/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (tháng 6/2009); Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (tháng 7/2013); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (9/2013); Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (tháng 5/2018); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 7/2018); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 4/2019); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Romania Klaus Werner Iohannis (tháng 7/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ Tổng thống Romania Klaus Werner Iohannis tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-EU diễn ra ở Brussels (Bỉ) (tháng 12/2022) và tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 diễn ra ở New York (Mỹ) (tháng 9/2023)…
Về phía Romania có: Thủ tướng Nicolae Vacaroiu (tháng 7/1995); Tổng thống Emil Constantinescu và ba Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Công thương (nhân dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần VII, tháng 11/1997); Tổng thống Ion Iliescu (tháng 2/2002); Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Korodi Attila (tháng 4/2011; tháng 11/2011); Thủ tướng Romania Dacian Ciolos (tháng 7/2016); Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Romania Monica Gheorgita (tháng 5/2019); Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Romania-Việt Nam Eugen Neata (tháng 10/2022)…
Việt Nam và Romania đã ký nhiều văn kiện để tạo thuận lợi cho việc hợp tác phát triển, như: Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (1994); Hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực Văn hóa, Khoa học, Giáo dục và Thể thao (1995); Hiệp định về tránh đánh thuế trùng (1995); Hiệp định Lãnh sự (1995); Hiệp định Hợp tác về Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1999); Hiệp định Hợp tác Kinh tế (2009); Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực Quốc phòng (2011)…
Hai nước tích cực hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như: Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM)…
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác
Bên cạnh quan hệ chính trị, mối quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước.
Romania là một trong ba quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) vào tháng 6/2019; cũng là nước đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy đi đến ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đạt được nhiều bước phát triển trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 288,38 triệu USD; năm 2021 đạt 370,08 triệu USD; năm 2022 đạt 425 triệu USD; năm 2023 đạt 430,86 triệu USD.Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Romania các mặt hàng: càphê, hải sản, hồ tiêu, dệt may, giày da, linh kiện máy tính; và nhập khẩu từ Romania các mặt hàng: hóa chất, phân bón, sắt thép xây dựng, hạt nhựa, thiết bị khoan dầu khí, sản phẩm gỗ…
Về đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/12/2023, Romania đứng thứ 92/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 6 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,68 triệu USD.
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo luôn nhận được sự quan tâm thúc đẩy từ lãnh đạo cấp cao hai nước. Từ năm 1992, Romania đã khởi động lại việc cấp học bổng cho Việt Nam.
Hai nước ký Hiệp định về Hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục và thể thao năm 1995, theo đó hàng năm, phía Romania cấp cho Việt Nam 20 học bổng đại học và trên đại học. Hai bên đã ký Chương trình giáo dục giai đoạn mới 2023-2027 (tháng 4/2023).
Theo đánh giá của Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila, ngoại giao nhân dân giữa hai nước thời gian qua đạt được bước phát triển tích cực từ sau đại dịch COVID-19, giúp đẩy mạnh trao đổi văn hóa, học thuật và kinh doanh.Có thể kể đến là việc: đại diện của hơn 30 trường đại học Romania đã đến thăm Việt Nam trong 2 năm qua; Dàn nhạc giao hưởng Bucharest nổi tiếng đã đến biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2022 và 2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Đà Lạt.Một số phái đoàn kinh tế cũng đã đến thăm Việt Nam trong năm qua, tìm kiếm cơ hội mới nhằm làm sâu sắc và đa dạng hóa hợp tác kinh tế song phương.
Trong lĩnh vực lao động, hiện có khoảng 4.000 lao động Việt Nam tại Romania đang làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, đóng tàu, may mặc, chế biến thực phẩm…Số lượng lao động Việt Nam sang Romania dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do Romania đang cần nguồn lao động. Hai nước đã ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động (tháng 12/2018).
Cộng đồng người Việt Nam tại Romania hiện có khoảng 650 người, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc tại Trung tâm Thương mại Dragon ở thủ đô Bucharest.Phần lớn cộng đồng người Việt đều đoàn kết và hướng về quê hương, thực sự là cầu nối quan trọng trong sự nghiệp phát triển mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Theo Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila, chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu những cột mốc mới trong hợp tác song phương, giúp hai nước tăng cường hiểu biết về ưu tiên và lợi ích của nhau.
Đại sứ cho biết thời gian tới, hai nước thống nhất các cơ chế hợp tác quan trọng trong những lĩnh vực cùng quan tâm như thương mại, nông nghiệp, vệ sinh, năng lượng, lao động, khoa học, công nghệ và văn hóa.Hai nước cần tận dụng hiệu quả EVFTA để mở cửa thị trường của nhau và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Romania có thể trở thành cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu, tương tự như việc Việt Nam tạo điều kiện cho Romania gia nhập thị trường ASEAN./.