Anh Vũ Văn Hiệp đóng hộp sản phẩm trà túi lọc lan kim tuyến
– Thời gian qua, từ sự nhạy bén với thị trường, anh Vũ Văn Hiệp, phố Tâm An, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan đã đầu tư sản xuất trà túi lọc lan kim tuyến. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường mà còn góp phần bảo tồn, nâng cao giá trị cây dược liệu quý.
Những ngày đầu tháng 1/2024, chúng tôi có dịp đến cơ sở sản xuất trà túi lọc lan kim tuyến của anh Vũ Văn Hiệp, tại đây, các lao động đang khẩn trương thực hiện công đoạn đóng hộp sản phẩm để kịp cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán.
Qua trò chuyện, anh Vũ Văn Hiệp chia sẻ: Cây lan kim tuyến là một loại thảo dược rất quý, hiện nay đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, với mong muốn bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý, từ năm 2018, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu nhân giống thành công cây lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng với diện tích 800m2. Qua thực tế tìm hiểu, cây lan kim tuyến có rất nhiều công dụng với sức khỏe con người nhưng giá thành rất cao (khoảng 1,8 triệu đồng/kg), nên không phải ai cũng có điều kiện mua để sử dụng. Do đó, từ cuối năm 2022, tôi đã có ý tưởng tạo ra sản phẩm trà túi lọc từ cây lan kim tuyến để nhiều người đều có cơ hội dùng.
Việc sản xuất trà túi lọc lan kim tuyến phải trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch, sấy khô, nghiền, đóng gói… Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, ngay từ đầu năm 2023, cơ sở đã chủ động đáp ứng các điều kiện để tham gia chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ đó, cơ sở đã chú trọng cải tiến trong từng khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, để có nguồn nguyên liệu chế biến, anh Hiệp đã duy trì diện tích vườn ươm trồng cây lan kim tuyến khoảng 800m2; đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, chế biến trà như: máy sấy, máy nghiền… Song song đó, cơ sở còn chủ động xây dựng thương hiệu riêng với đầy đủ tem, nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn gốc và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó, tạo dựng niềm tin đối với khách hàng. Hiện nay, sản phẩm trà lan kim tuyến được đóng gói thành dạng trà túi lọc và đóng hộp với trọng lượng 50g và 25g, bao bì được thiết kế riêng với phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt, với giá bán 120.000 đồng và 350.000 đồng/hộp. Đặc biệt, cơ sở còn đẩy mạnh kinh doanh theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Tiktok…
Anh Nguyễn Văn Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội chia sẻ: Thông qua mạng xã hội Facbook, tôi biết đến sản phẩm trà túi lọc lan kim tuyến của anh Vũ Văn Hiệp và thử mua về sử dụng. Sau khi dùng, tôi thấy trà có vị thơm, ngọt rất dễ uống. Qua tìm hiểu, tôi được biết, trà từ cây lan kim tuyến có nhiều công dụng với sức khỏe như: thanh nhiệt, giải độc, bảo vệ và tái tạo tế bào gan, giảm mỡ máu… nên tôi rất yên tâm khi sử dụng.
Từ việc chú trọng nâng cao chất lượng, hiện nay, sản phẩm trà túi lọc lan kim tuyến chủ yếu được bán tại các cửa hàng, đại lý, trạm dừng nghỉ trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Dương, Cao Bằng, Thái Nguyên… Từ khi đi vào sản xuất đến nay, cơ sở đã xuất bán ra thị trường gần 5.000 hộp trà, đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động.
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan đánh giá: Năm 2023, sản phẩm trà túi lọc lan kim tuyến được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Đây sẽ là tiền đề để cơ sở phát triển hơn nữa sản phẩm. Thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện tối đa để sản phẩm của cơ sở có mặt tại các hội chợ thương mại, hội thảo, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để quảng bá rộng rãi. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
Được biết, thời gian tới, cơ sở sản xuất trà túi lọc lan kim tuyến sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như: máy sao, máy rửa, máy đóng gói bao bì… để mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường với số lượng lớn hơn. Cùng với đó, cơ sở tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cửa hàng, đại lý, hướng đến đưa sản phẩm vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo chỗ đứng ổn định cho sản phẩm trên thị trường.