Người dân xã Tân Văn kiểm tra chất lượng cây mướp đắng lấy hạt
– Những năm qua, được sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ của Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát (tỉnh Bình Thuận), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bình Gia đã chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang mô hình trồng cây lấy hạt. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Là một trong những hộ tham gia mô hình trồng cây lấy hạt đầu tiên trên địa bàn xã Tân Văn, bà Lương Thị Hảo, thôn Còn Nưa phấn khởi chia sẻ: Được sự tuyên truyền của cán bộ khuyến nông, năm 2022, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 900 m2 đất trồng nông nghiệp sang trồng cây mướp đắng lấy hạt. Tham gia mô hình, tôi được công ty hỗ trợ giống, phân bón bằng hình thức trả chậm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây trồng phát triển rất tốt, chỉ sau 5 đến 6 tháng cây đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Toàn bộ sau khi hái sẽ được phơi khô và xuất bán cho công ty. Mỗi năm cây cho thu 2 vụ, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu về khoảng 10 đến 20 kg hạt khô, đem lại thu nhập từ 6 đến 12 triệu đồng/vụ.
Không chỉ tại xã Tân Văn, mô hình trồng cây lấy hạt còn được triển khai tại các xã Thiện Thuật, Hoa Thám, Mông Ân… Được biết, từ cuối năm 2021, mô hình trồng cây lấy hạt chất lượng cao (chủ yếu là mướp đắng và bí xanh) được đưa về trồng tại huyện Bình Gia. Ban đầu, mô hình chỉ có quy mô 0,5 ha, với sự tham gia của 6 hộ, đến nay, mô hình đã được nhân rộng lên 3 ha, với sự tham gia của hơn 50 hộ. Sau một thời gian canh tác cho thấy điều kiện tự nhiên của huyện thích hợp cho việc trồng cây lấy hạt. Các giống cây này có năng suất cao, dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Thuận lợi là việc trồng cây lấy hạt được thực hiện theo hợp đồng ký kết cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật giữa các doanh nghiệp và nông dân. Hiện nay, Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát đã ký kết hợp đồng sản xuất bao tiêu cho bà con tham gia mô hình.
Bà Hoàng Thị Tươi, thôn Tân Lập, xã Hoa Thám chia sẻ: Năm 2022, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 400 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mướp đắng và bí xanh lấy hạt. Ngoài ra, được công ty bao tiêu toàn bộ đầu ra nên người dân chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm sản xuất. Đối với phần thịt quả, sau khi thu hoạch hạt có thể tận dụng ủ làm phân hữu cơ. Trung bình mỗi năm, cây lấy hạt cho thu hoạch từ 10 đến 20kg hạt khô với giá 630 nghìn đồng/kg hạt mướp đắng khô và 1,2 triệu đồng/kg hạt bí khô. Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi đang chuẩn bị xới đất để chuẩn bị cho vụ gieo trồng vào năm sau.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, các hộ dân còn được công ty tiến hành chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và ứng trước cây giống, phân bón để sản xuất. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục liên kết mở rộng vùng trồng cây lấy hạt tại một số huyện như: Bắc Sơn, Văn Quan nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra triển vọng về hướng sản xuất mới cho bà con. Thời gian tới, phòng sẽ chủ động kết nối với các doanh, hợp tác xã để bà con yên tâm mở rộng diện tích, hướng tới bao tiêu sản phẩm cho bà con. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Với những tín hiệu tích cực, mô hình trồng cây lấy hạt bước đầu được xem là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần đa dạng hóa mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện.