Gọi là ông trùm nhưng cả hai nguyên mẫu của nhân vật lão Hạc đều nghèo khó; một người ăn bả chó chết sớm, người kia sống thọ đến 105 năm tuổi.
Nghĩa trang của xóm 11, thôn 4, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam quê hương Nam Cao, là nơi an nghỉ của hai người đàn ông mà chuyện đời họ được nhà văn “mượn” để xây dựng nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên. Ngôi mộ của một trong hai “lão Hạc” được chính cháu nội – con của người con trai bỏ đi đồn điền cao su năm xưa – tìm về làng xây cất trong những năm cuối thế kỷ 20.
Có 2 lão Hạc ở làng “Vũ Đại”
Thời Nam Cao viết các tác phẩm văn học kinh điển “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, xóm 11 chính là làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, Hà Nam. Làng Đại Hoàng đi vào truyện của Nam Cao với cái tên làng Vũ Đại. Rất nhiều nhân vật của ông được xây dựng từ những con người có thật nơi đây, và lão Hạc cũng vậy.
Ông giáo già 70 tuổi Trần Văn Đô, một người dân trong làng, được gọi là “pho sử sống về những nhân vật của Nam Cao trong đời thực”, cho biết nguyên mẫu của lão Hạc là hai chứ không phải một người. Họ đều nghèo khó, cuộc đời đều nhiều đau buồn và đều được gọi là ông trùm – Trùm San và Trùm Luông.
Thầy giáo Trần Văn Đô, một người dân trong làng, được gọi là “pho sử sống về những nhân vật của Nam Cao trong đời thực”.
“Không phải là ông trùm theo cách hiểu của phần lớn chúng ta ngày nay đâu, mà đó là cách gọi trưởng họ đạo của người Thiên Chúa giáo” – ông Trần Văn Đô giải thích. “Gọi là trùm nhưng họ đều nghèo khó”.
Phần lớn chất liệu tạo nên nhân vật lão Hạc được Nam Cao lấy từ ông Trùm San, cũng là người họ Trần như tất cả cư dân gốc của làng, còn tên ông là gì thì không ai còn nhớ.
Gia cảnh nghèo khó của ông Trùm San có lúc quẫn bách y như lão Hạc trong truyện. Nhà ông cũng nuôi một con chó vàng. Trùm San cũng có một người con trai bỏ làng đi vào Nam làm công nhân đồn điền cao su, nhưng hoàn cảnh của anh này còn đau khổ, éo le hơn cả con trai lão Hạc trong tác phẩm.
“Ông Trùm San có hai người con, con trai tên Thụ, con gái tên Duyên. Nhà nghèo, không đủ tiền cheo cưới đàng hoàng nên con trai ông đành phải lấy một cô gái kém sắc và không tổ chức cưới xin gì cả. Sau một thời gian về chung sống với nhau, vợ anh Thụ bị điên, bỏ nhà ra đi biệt tích.
Vợ bỏ đi được một thời gian, anh Thụ đòi lấy vợ khác nhưng ông San cản lại. Người xứ đạo tuân thủ nguyên tắc một vợ một chồng chung thủy, không bao giờ được phép lấy ai khác khi bạn đời của mình còn sống. Vì thế, ông Trùm San kiên quyết nói với con trai rằng, chỉ khi nào vợ chết, anh mới được phép lấy người khác”, thầy Đô cho biết.
Chờ đợi mòn mỏi không thấy vợ về, cũng không được phép lấy vợ mới, anh Thụ bỏ nhà đi làm công tại nông trường cao su Lộc Ninh (Bình Phước). Rồi anh lấy vợ ở đó, sinh được một người con trai đặt tên Thanh.
Ông Trần Văn Đô tiết lộ: “Người cháu nội của ‘lão Hạc’ vốn là công nhân vận hành máy của Công ty cao su Lộc Ninh. Sau năm 1995, khi gia đình có điều kiện, anh Thanh có đưa con rể và cháu về quê xây mộ cho ông nội là ông Trùm San. Chi tiết này không được đưa vào trong tác phẩm, nhưng đó là cuộc đời và những con người có thật”.
Còn Trùm Luông tên thật là Trần Quý Đào, một người đàn ông nghèo khổ, bất hạnh, sống trong cô đơn. Để trốn tránh cuộc sống cùng quẫn, ông Trùm Luông đã xin mồi bả chó của một người dân khác trong làng Đại Hoàng là Binh Cận (trong truyện “Lão Hạc” là nhân vật Binh Tư) để tự tử và chết một cách bi thảm.
Mặc dù Nam Cao chỉ sử dụng một chi tiết trong cuộc đời ông Trùm Luông để đưa vào tác phẩm, nhưng đó lại là chi tiết gây ám ảnh nhất.
“Người dân làng Đại Hoàng chúng tôi vẫn kể lại câu chuyện về những người là nguyên mẫu của nhân vật Nam Cao và về ngôi làng Vũ Đại như một sự huyền bí. Dường như có định mệnh gì đó tạo ra sự giao thoa giữa sáng tác hư cấu và chuyện thật ngoài đời”, thầy Đô nói, cho biết khác với ông Trùm Luông chết sớm vì quyên sinh, ông Trùm San thọ đến 105 tuổi.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu, người đã có nửa thế kỷ nghiên cứu về Nam Cao, cũng khẳng định chuyện về lão Hạc được nhà văn viết từ cuộc đời hai con người có thật ở địa phương là Trùm San và Trùm Luông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh.
“Hai người ngoài đời thực có 2 số phận khác nhau. Chuyện ông Trùm San nuôi một con chó vàng và cậu con trai bỏ làng đi làm ở đồn điền cao su trong miền Nam là có thật. Và chuyện ông Trùm Luông xin bả chó về để tự tử cũng là có thật. Điều đáng nói, sau khi ông trùm San mất đi, người cháu nội đã tìm về quê hương bản quán để xây mộ cho ông mình” – ông Vinh cho biết.
Nhà nghiên cứu nói thêm: “Nếu không có truyện mà nhà văn Nam Cao viết thì người cháu nội của ông Trùm San chắc không tìm về được với tổ tiên để xây ngôi mộ cho ông nội. Thời điểm bỏ làng ra đi xa như vậy, ngay cả người con của ông Trùm San cũng chưa chắc đã nhận ra quê hương mình chứ đừng nói đến cháu”.
Nam Cao yên nghỉ trong vườn nhà “lão Hạc”
Ông Trần Hữu Vịnh, 74 tuổi, một người dân xóm 11 đang trông coi Khu tưởng niệm Nam Cao, cho biết, cả hai ông Trùm San, Trùm Luông đều là hàng xóm của Nam Cao và họ đều rất quý trọng nhà văn.
“Các ông vẫn sang giúp gia đình nhà văn việc này, việc nọ. Còn Nam Cao thỉnh thoảng mời hai ông trùm sang nhà uống nước chè xanh đặc vào buổi sáng. Do vậy, khi mới ra đời, tác phẩm được nhà văn Nam Cao lấy tên là ‘Ông hàng xóm’, sau này mới đổi tên thành ‘Lão Hạc’. Nhà văn đã tạo ra lão Hạc từ hai người hàng xóm của ông tại làng Đại Hoàng thời ấy”, ông Vịnh nói.
Khu tưởng niệm của nhà văn – liệt sỹ Nam Cao được xây trên phần đất trước đây thuộc về 3 nhà: Ông Trùm San, ông Trùm Luông và chính gia đình nhà văn.
Dẫn phóng viên đi tham quan một vòng khu tưởng niệm Nam Cao, trong đó có ngôi mộ của nhà văn nằm trong khuôn viên, ông Trần Hữu Vịnh cho biết, khu tưởng niệm được xây trên phần đất trước đây thuộc về 3 nhà: Đất của ông Trùm San, của ông Trùm Luông và của chính gia đình nhà văn.
Về lịch sử mảnh đất này, theo ông Vịnh, có thời điểm ông nghị viên Bắc Kỳ Trần Duy Bính (Nghị Bính – nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo”) có ý đồ chiếm đất của cả Trùm San và Trùm Luông. Cả hai người này đều không biết chữ nên để bảo vệ tài sản trước sự nhòm ngó của cường hào, họ đã mang văn tự đất nhà mình sang nhờ gia đình Nam Cao giữ hộ. Nhờ đó mà đất đai của họ không rơi vào tay “Bá Kiến”.
Mộ nhà văn Nam Cao trong khu tưởng niệm ông, đặt tại làng Đại Hoàng xưa.
Độc giả của Nam Cao có thể thấy bóng dáng câu chuyện có thật này trong truyện ngắn “Lão Hạc”: Gần cuối truyện, lão Hạc gửi gắm ông giáo giữ hộ vườn để sau này trao lại cho đứa con trai đi đồn điền cao su của mình, bằng cách viết văn tự nhượng đất cho ông giáo “để không ai còn tơ tưởng, dòm ngó đến”.
Nhà văn, liệt sỹ Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29/10/1915 tại làng Đại Hoàng. Ông mất năm 1951 tại Ninh Bình và được chôn cất ở đây. Năm 1998, nhà văn được đưa về yên nghỉ tại quê nhà. Hiện phần mộ nhà văn được đặt trong khuôn viên khu tưởng niệm rộng 5.460m2, trong đó có phần đất từng thuộc về hai nguyên mẫu nhân vật lão Hạc là các ông Trùm San và Trùm Luông.
Nguồn:https://vtc.vn/chuyen-2-ong-trum-la-nguyen-mau-nhan-vat-lao-hac-o-lang-vu-dai-ar838182.html