– Hiện nay, huyện Chi Lăng có 12 sản phẩm được cấp có thẩm quyền công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Để nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các chủ thể.
Nhân viên tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn đóng gói sản phẩm bánh Khẩu Sli quế
Những ngày đầu tháng 11/2023, có mặt tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý, chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật của nhân viên tại đây. Tham quan khu vực chế biến bánh khẩu sli quế, sản phẩm vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022, nhân viên công ty đang khẩn trương thực hiện các công đoạn như: đóng gói, tạo khuôn cho bánh… Bà Nông Thị Ngân, Phó Giám đốc công ty cho biết: Nhận thấy ý nghĩa của việc tham gia chương trình OCOP, công ty đã tích cực xây dựng các sản phẩm, trong đó tập trung vào các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương như: quế, hồi. Hiện nay, công ty đã có 3 sản phẩm là: tinh dầu hồi, hoa hồi khô (4 sao) và bánh khẩu sli quế (3 sao). Tất cả các sản phẩm đều có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… doanh thu riêng từ 3 sản phẩm OCOP đem lại cho công ty trên 1 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như hướng tới xây dựng sản phẩm hoa hồi khô đạt chứng nhận 5 sao, công ty tiếp tục đầu tư thêm máy móc hiện đại, đổi mới bao bì sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng…
Không chỉ Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, thời gian qua, cùng với việc xây dựng sản phẩm OCOP, các chủ thể còn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì, nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được đánh giá như: đầu tư trang thiết bị máy móc; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; chú trọng quan tâm tới tính độc đáo của sản phẩm…
Ông Hứa Quốc Công, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Bành, thị trấn Chi Lăng cho biết: Năm 2021, sản phẩm quả na của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Với mong muốn thương hiệu Na Chi Lăng vươn tới không chỉ thị trường ngoài tỉnh mà còn tiếp cận tới thị trường nước ngoài, HTX đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp để nâng hạng sao OCOP. Cụ thể, hiện nay, toàn bộ 34,5 ha diện tích na của HTX đều được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, qua đánh giá và phân hạng lại, sản phẩm của cơ sở đã đạt 4 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể OCOP, để từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, các phòng, ban chuyên môn của huyện đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về sự cần thiết, các nguyên tắc triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Theo đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp tổ chức 4 – 5 lớp tập huấn tuyên truyền lồng ghép các nội dung về chương trình OCOP với trên 300 lượt người tham gia; cấp phát trên 2.000 bộ tài liệu liên quan về xây dựng và duy trì sản phẩm OCOP. Nhờ đó, nhận thức của các chủ thể về chương trình được nâng lên rõ rệt so với khi mới triển khai. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao như: trà diếp cá Lụa Vy, rau bò khai, mật ong Vân Thủy, lạp sườn tươi, măng ớt Hải Yêu, hoa hồi khô, khau nhục bà Phin…và 4 sản phẩm được đánh giá 4 sao, trong đó, 1 sản phẩm Na Chi Lăng duy trì nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao (cả tỉnh chỉ có 2 sản phẩm nâng hạng). Đây cũng là 1 trong 2 huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất trên địa bàn tỉnh.
Ông Linh Đức Tiến, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Với phương châm là không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng để tăng hiệu quả, tạo tính bền vững cho sản phẩm OCOP. Thời gian tới, phòng tiếp tục hỗ trợ tối đa các chủ thể tham gia về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho người dân trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP; hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất…
Có thể thấy, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Chi Lăng đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ những giá trị đem lại của sản phẩm OCOP, năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, hướng tới vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm.