Dưới đây là những sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024 đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đất nước, do Báo điện tử VTC News bình chọn.
Thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam
Ngày 30/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.
Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD).
Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.800 ha; dự kiến 120.836 người cần tái định cư.
Như vậy sau gần 20 năm được nghiên cứu, dự án trọng điểm này đã được thông qua và sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai gần.
Thần tốc hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3
Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chính thức được khánh thành ngày 29/8. Đây là dự án trọng điểm đầu tiên được hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục: chỉ sau hơn 6 tháng thi công.
Dự án có tổng chiều dài 519km, tổng vốn đầu tư trên 22.300 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500kV từ Trung ra Bắc với công suất từ 2.500MW hiện nay lên 5.000MW, nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo, giảm bớt nguy cơ quá tải cho các đường dây và trạm 500kV hiện hữu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật trong năm nay với tổng kim ngạch đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD. Con số này đã tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%. Trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 16,4%.
Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Theo Bộ Công Thương, những con số trên chứng tỏ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Việt Nam hợp tác với NVIDIA thành lập 2 trung tâm phát triển AI
Theo đó, Việt Nam hợp tác với Tập đoàn NVIDIA để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), được gọi là VRDC, cùng với Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Thỏa thuận hợp tác là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á, từ đó, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt; đồng thời, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho đội ngũ nhân tài trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nội dung hợp tác giữa hai bên được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và coi là một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam cam kết tạo ra môi trường thuận lợi nhất để các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, như NVIDIA, có thể triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
VinFast lên số 1 thị trường Việt Nam
Kết thúc tháng 11, VinFast công bố đã bàn giao hơn 16.000 xe ô tô điện các loại cho khách hàng, nâng tổng số luỹ kế từ đầu năm lên hơn 67.000 chiếc, củng cố vững chắc ngôi vị số 1 thị trường thiết lập từ tháng 10. Khoảng cách giữa VinFast với hãng xe bán chạy số 2 là gần 10.000 xe.
Đây là cột mốc đặc biệt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi lần đầu tiên, một hãng xe nội địa, thương hiệu non trẻ đã vượt xa mọi đối thủ lâu năm trong ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đây cũng là cột mốc đặc biệt của ngành xe điện thế giới khi một hãng xe điện hoàn toàn lấn át các hãng xe xăng để vươn lên vị trí số 1 thị trường liên tiếp.
Điều này cho thấy thực lực mạnh mẽ của công nghiệp ô tô Việt Nam mà đại diện là VinFast, khẳng định người Việt Nam đã thực sự làm chủ chuỗi công nghiệp ô tô từ khâu nghiên cứu sản phẩm đến sản xuất thành phẩm hoàn thiện ra thị trường.
Quan trọng hơn, VinFast đã trở thành biểu tượng cho sự thay đổi trong nhận thức tiêu dùng của người Việt. Xe điện VinFast – đại diện cho xu hướng “xanh, sạch và bền vững” – ngày càng được lựa chọn là phương tiện di chuyển chính, phản ánh quyết tâm của người Việt trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới tương lai xanh.
Bên cạnh doanh số tăng mạnh trong năm qua, VinFast cũng để lại những dấu ấn đáng nhớ như: VinFast VF 3 đã nhận gần 28.000 đơn đặt cọc chỉ sau 66 giờ mở bán và được vinh danh là Xe của năm 2024 tại Giải thưởng Car Awards 2024; VinFast VF 5 là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc A-SUV. Đặc biệt, VinFast đã đạt tỷ lệ nội địa hoá 60%, vượt xa nhiều hãng xe nước ngoài ở Việt Nam trong vài thập kỷ…
Thông qua 3 luật gỡ khó cho bất động sản
Sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Cả 3 luật có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đó.
Với nhiều điểm ưu việt, các luật này được kỳ vọng sẽ “trợ lực” rất nhiều cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất, được người dân quan tâm là bảng giá đất sẽ được xây dựng hàng năm. Theo Luật Đất đai 2013, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Luật Đất đai (sửa đổi) đã bãi bỏ quy định về khung giá đất. Thay vào đó, giá đất sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường.
Như vậy, giá tài sản có thể cao hơn nhưng là giá trị thực tế, không phải là giá “ảo”. Nhờ đó thị trường bất động sản có thể phát triển minh bạch, lành mạnh hơn, giảm tình trạng đầu cơ, “sốt đất ảo”.
NHNN bán vàng, kiềm chế giá tăng cao chưa từng có
Giá vàng trong nước đã có một năm biến động khi tăng cao chưa từng có, liên tiếp lập kỷ lục. Đặc biệt, ngày 30/10, giá bán vàng miếng chạm mốc 90 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tiến sát mốc này.
Trước bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh và có thời điểm đắt hơn gần 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu bán vàng miếng để tăng nguồn cung, nhằm bình ổn thị trường, thu hẹp khoảng cách.
Đáng chú ý, từ ngày 3/6, NHNN thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để các ngân hàng này bán vàng tới người dân. Giá bán được áp dụng theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới.
Nhờ biện pháp này nên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp đáng kể. Hiện giá vàng trong nước đắt hơn thế giới khoảng dưới 5 triệu đồng/lượng.
Nguồn: https://baolangson.vn/nhung-su-kien-kinh-te-viet-nam-noi-bat-nam-2024-5032992.html