Người Lô Lô ở Cao Bằng là dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù. Quần cư trên núi cao, lưu giữ được khá nguyên vẹn nhiều nét đẹp trong phong tục, tập quán, những bản làng của người Lô Lô có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang dồn các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa.
Hiệu quả bước đầu
Cách trung tâm huyện Bảo Lạc khoảng 16 km, Làng văn hóa cộng đồng Khuổi Khon (xã Kim Cúc) là mô hình tiêu biểu của người Lô Lô làm du lịch cộng đồng. Xóm Khuổi Khon có 101 hộ, gần 500 nhân khẩu, trong đó 61 hộ Lô Lô sống quây quần trong nhịp sống chậm rãi, giữa thiên nhiên hoang sơ của núi rừng kỳ vĩ. Những nếp nhà sàn truyền thống lợp mái ngói âm dương nằm yên bình bên những thửa ruộng bậc thang trải dài, cùng người dân bản địa mộc mạc, chân chất, với bản sắc văn hóa truyền thống còn nguyên vẹn, là những điểm nhấn thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài.
Để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở xóm Khuổi Khon, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon”. Đường giao thông, đường điện, cáp viễn thông được đầu tư đến bản bằng nguồn vốn của chương trình. Đường làng, ngõ xóm được tu sửa, vệ sinh môi trường, cảnh quan được chăm chút, dọn dẹp.
Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng rộng rãi được hoàn thiện. Thiết chế văn hóa này vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong xóm, vừa là nơi biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Các hộ tham gia làm homestay đã cải tạo, chỉnh trang các ngôi nhà sàn truyền thống, xây dựng khu vệ sinh sạch sẽ. Từ khi làm du lịch cộng đồng, xóm Khuổi Khon có nhiều đổi thay tích cực.
Bốn năm trở lại đây, ngôi nhà sàn gỗ truyền thống của gia đình già làng Chi Viết Hải là điểm đón du khách đến tham quan và nghỉ lại. Cùng các hộ gia đình ông Chi Văn Tòng, Chi Văn Chiến, Pâu Văn Phương…, bà con Lô Lô trong xóm bắt tay làm homestay.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, ông Chi Viết Hải cho biết: Vừa qua, gia đình đã đón gần 10 đoàn khách quốc tế đến tham quan và ở tại gian nhà sàn này. Các thành viên trong gia đình cùng tham gia đón khách. Vợ và con gái ông nấu nướng, chế biến các món ăn truyền thống phục vụ khách. Du khách đến Khuổi Khon được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cùng bà con, tham gia làm các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm, mặc thử trang phục truyền thống, giao lưu văn nghệ, xem biểu diễn dân ca, dân vũ…
Ông Hải cho biết, gia đình ông được hỗ trợ hơn 30 triệu đồng từ Đề án để tu sửa, chỉnh trang nhà sàn gọn gàng, xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ phục vụ du khách. Mỗi khách lưu trú, ông thu 100 nghìn đồng/đêm và 140.000 đồng cho một bữa ăn, từ du lịch cộng đồng, gia đình ông đã có thêm thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Kim Cúc Nông Văn Dương cho biết: Để đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thiết chế văn hóa; tổ chức cho các hộ làm homestay tham quan các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu, tham gia các lớp tập huấn về du lịch để có kinh nghiệm phục vụ du khách. Tuy mới bước đầu làm du lịch, nhưng trong ba năm gần đây, lượng khách đến Làng văn hóa cộng đồng Khuổi Khon tăng lên theo từng năm. Các hộ gia đình làm homestay đã đón gần 2.000 lượt khách với thu nhập mỗi năm gần 40 triệu đồng/hộ.
Bảo tồn văn hóa gắn với du lịch cộng đồng
Để cải thiện sinh kế đối với cộng đồng đồng bào Lô Lô, tỉnh Cao Bằng đã vận dụng linh hoạt các nguồn lực từ các đề án của Trung ương như Đề án 2086, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù, chương trình nông thôn mới…
Giai đoạn 2021-2025, nội dung thực hiện của Đề án 2086 được tích hợp trong Tiểu dự án 1 (Đầu tư phát triển kinh tế, xã hội nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và dân tộc có khó khăn đặc thù), dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025; dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Từ nguồn vốn của Đề án 2086, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm rà soát nhu cầu, đối tượng, phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện cụ thể.
Từ chính sách đúng đắn và nguồn lực hỗ trợ, đời sống bà con Lô Lô ở hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đều giảm qua các năm. Người dân có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Bảo Lạc, Bảo Lâm đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn đến từng thôn, xóm tạo thuận lợi cho người dân lưu thông hàng hóa nông sản, phát triển sản xuất; các hạng mục nhà văn hóa và bể nước sinh hoạt tập trung… dần hoàn thiện.
Để bảo tồn văn hóa bản địa, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy nghề đan lát, thêu thùa, dệt vải; thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn, bản… Hằng năm, các lễ hội về văn hóa của dân tộc Lô Lô, ngày hội văn hóa các dân tộc, thi trang phục dân tộc Lô Lô, múa hát dân ca, dân vũ, thêu, thổ cẩm… được tổ chức đều đặn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giá trị văn hóa dân tộc cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc Lô Lô. Năm 2024, Cao Bằng đầu tư xây dựng 21 nhà văn hóa xóm, hỗ trợ đầu tư 10 điểm du lịch cộng đồng, 23 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục thực hiện định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với phát triển du lịch bền vững, hướng dẫn bà con khôi phục, bảo tồn nhạc cụ; sưu tầm các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Lô Lô; tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Nông Quốc Khôi, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, thực hiện dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch có nhiều nét khởi sắc. Hiệu quả này đến từ các chương trình, các nguồn lực và cách làm cụ thể, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững, gia tăng sinh kế và cải thiện thu nhập cho bà con.
Có thể thấy, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp đối với người dân vùng đồng bào dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng. Tuy kết quả chưa được như kỳ vọng, do nhiều nguyên nhân, từ việc địa bàn đi lại khó khăn, định mức hỗ trợ của nguồn vốn thấp hơn nhu cầu được hỗ trợ, tư duy nhận thức chậm chuyển đổi…, nhưng từ chỗ tập quán sống ở vùng cao, quần cư, không cởi mở với cộng đồng khác, đến nay, đồng bào Lô Lô đã biết tận dụng, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc mình, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, bước đầu đã được thụ hưởng những “quả ngọt” từ mô hình du lịch cộng đồng.
Nguồn: https://baolangson.vn/nguoi-lo-lo-lam-du-lich-cong-dong-5032721.html