Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn
– Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Điều hành nội dung phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trong buổi sáng, Quốc hội dành thời gian để chất vấn về nhóm nội dung lĩnh vực kinh tế ngành. Theo đó, đã có 87 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 41 đại biểu đã được chất vấn và tranh luận, 29 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, còn 46 đại biểu đăng kí chất vấn và 2 đại biểu tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Theo đó, đối với nhóm nội dung lĩnh vực kinh tế ngành, các ĐBQH tập trung chất vấn Bộ trưởng các bộ gồm: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… về các nội dung như: Kết quả thực hiện xử lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt; nhức nhối tình trạng hàng giả, hàng nhái; tình hình triển khai nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; biện pháp duy trì tính bền vững cho những sản phẩm OCOP; tình hình kiểm soát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; giải pháp để khắc phục hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp; trách nhiệm trong quản lý các loại hương liệu thuốc lá điện tử;…
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình kiểm soát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung
Phát biểu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, hiện nay có nơi, có lúc, có khu công nghiệp thải nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tình hình kiểm soát việc xây dựng và sự vận hành của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp như thế nào? Đồng thời chỉ rõ khó khăn cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn về tình hình xử lý nước xả thải ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, đến năm 2022, cả nước ta có 291 khu công nghiệp nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong 734 cụm công nghiệp thì chỉ có 179 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong 26 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải thì có 7 khu đang hoàn thành.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc, trong đó tăng cường bảo vệ môi trường và xử lý rác thải trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lắp đặt hệ thống giám sát, hệ thống tự động kết nối quan trắc giữa các sở với bộ, đến nay đã có 271 trạm quan trắc. Nhiều địa phương cũng đã yêu cầu các tiêu chuẩn xả thải, tuy nhiên ở các khu công nghiệp vẫn chưa có hệ thống xả thải tập trung.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề ra một số giải pháp, trong đó, kiên quyết và chỉ cho phép các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung của khu công nghiệp, khu công nghiệp mới muốn đi vào hoạt động, vận hành phải hoàn thành tiêu chí bảo vệ môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải.
Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay chúng ta đang chỉ đạo xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, do vậy kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất các dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong khu sản xuất kinh doanh tập trung, khu công nghiệp chưa có hệ thống thu gom. Đồng thời, đề nghị các UBND cấp tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt tại các cụm công nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử phạt hành chính nếu phát hiện vi phạm.
Trong chương trình, các ĐBQH cũng tập trung chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng các ngành về lĩnh vực nội chính, tư pháp; chất vấn việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.