Nghị viện châu Âu (EP) vừa bỏ phiếu thông qua quyết định lùi thời hạn thêm một năm áp dụng việc khai báo chứng minh sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) không được trồng trọt, sản xuất trên đất do phá rừng.
Tiến sĩ Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về hành động khí hậu, môi trường, việc làm và chính sách xã hội (Phái đoàn EU tại Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí Việt Nam xung quanh quyết định này.
Phóng viên (PV): Ông cho biết lý do EP quyết định lùi thời điểm thực hiện Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) thêm một năm?
Tiến sĩ Rui Ludovino: Liên quan đến EUDR, EP đã xem xét những khó khăn, vướng mắc, thách thức của các quốc gia đối tác của EU trong quá trình chuẩn bị thực hiện EUDR. Do đó, EP đã bỏ phiếu quyết định lùi lại thời gian thực hiện EUDR thêm một năm (quy định trước của EUDR là ngày 31-12-2024, nay lùi lại là ngày 31-12-2025) giúp các quốc gia đối tác cũng như các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị đầy đủ để thực hiện.
PV: Thưa ông, EU sẽ có những hỗ trợ gì giúp nông dân Việt Nam thực hiện EUDR, vì phần lớn nông dân Việt Nam sản xuất, trồng trọt với diện tích nhỏ lẻ?
Tiến sĩ Rui Ludovino: EU có hai hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho tất cả quốc gia đối tác của EU thông qua hai sáng kiến tổng trị giá hơn 140 triệu euro do các quốc gia thành viên EU cung cấp. Với nông dân Việt Nam, chúng tôi cũng hỗ trợ thông qua hai sáng kiến này. Đối tượng được hỗ trợ chính là nông dân với những cánh đồng, vườn tược nơi họ canh tác đã được quy hoạch chứ không phải đất rừng.
PV: Việc tuân thủ EUDR liệu có làm tăng giá thành sản xuất các nông sản như cà phê, cao su, ca cao… qua đó làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm do giá thành phải gánh thêm chi phí không, thưa ông?
Tiến sĩ Rui Ludovino: Chúng tôi chưa có một nghiên cứu hoặc đánh giá nào về những tác động do việc áp dụng EUDR sẽ ảnh hưởng thế nào đến giá thành sản phẩm cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao… Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người tiêu dùng ở các quốc gia trong EU sẽ sẵn sàng trả thêm cho những sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó có việc bảo vệ rừng.
PV: Những quy định của EUDR có yêu cầu các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu phải cung cấp bằng chứng về nguồn gốc sản phẩm và mức độ bền vững của chuỗi cung ứng không?
Tiến sĩ Rui Ludovino: Tất cả tiêu chuẩn này đã được ghi rõ trong quy định về chống mất rừng, suy thoái rừng của EU. Các nhà nhập khẩu chính là người sẽ phải thu thập thông tin đầy đủ, liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý hoặc bất kỳ một yêu cầu nào đã được ghi trong EUDR. Doanh nghiệp từ các quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU đều phải tuân thủ theo đúng quy định.
PV: Cụ thể, trong chuỗi cung ứng cần phải làm gì để bảo đảm sản phẩm nông sản sản xuất, trồng trọt, chế biến được nhập khẩu vào EU, thưa ông?
Tiến sĩ Rui Ludovino: Các nhà nhập khẩu phải thu thập đầy đủ thông tin liên quan đến quy định để chứng minh rằng sản phẩm được trồng, sản xuất trên đất hợp pháp, không phải được trồng hay sản xuất trên đất do phá rừng tính từ ngày 31-12-2020. Những sản phẩm nông sản như cà phê, ca cao, cao su, dầu cọ… được sản xuất, xuất khẩu vào EU phải tuân thủ các EUDR từ ngày 31-12-2025 (đối với tập đoàn lớn) và từ ngày 30-6-2026 (đối với các nhà nhập khẩu là doanh nghiệp vừa và nhỏ), nghĩa là phải chứng minh sản phẩm được sản xuất, chế biến không làm mất rừng, suy thoái rừng.
PV: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của phía Việt Nam cho việc thực hiện EUDR?
Tiến sĩ Rui Ludovino: So với doanh nghiệp của các quốc gia khác trên thế giới thì doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt nhất, hiệu quả nhất. Điều này được thể hiện qua sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam, các hiệp hội cũng như bản thân các doanh nghiệp. Việc cần làm là thu thập đầy đủ thông tin từ các trang trại sản xuất, trồng trọt, bao gồm: Thông tin chỉ dẫn địa lý, quy cách đóng gói để thực hiện quy định của EUDR.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những động thái tích cực để cải thiện các quy định của mình nhằm triển khai thực hiện EUDR.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://baolangson.vn/xuat-khau-nong-san-viet-nam-vao-eu-tuan-thu-nghiem-quy-dinh-ve-chong-pha-rung-5031052.html