Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,2 tỷ USD, tăng 29,7%; nhập khẩu từ thị trường này đạt 130,2 tỷ USD, giảm 0,9%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhập siêu từ Trung Quốc 75 tỷ USD, tăng 67,7%.
Như vậy, sau 11 tháng, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 185,4 tỷ USD.
Rau quả hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc (Ảnh: VGP) |
Với con số này, 11 tháng qua, bình quân kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD/tháng. Nếu duy trì được kết quả này, kết thúc năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc có thể đạt 200 tỷ USD – là con số kỷ lục từ trước đến nay, tương đương với gần 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Đây được đánh giá là mục tiêu khả quan, vì tháng cuối năm, nhu cầu xuất nhập khẩu thường sẽ tăng lên để phục vụ hàng hoá cho dịp Lễ, tết cuối năm.
Hiện nay, nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 10 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Trong đó, một số sản phẩm như sầu riêng, thanh long… của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.
Đặc biệt, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư, góp phần chính thức mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Việc hai nước ký kết các Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Để thúc đẩy thương mại hai chiều, mới đây, Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2024) đã được tổ chức, không những là “cầu nối” để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao thương, mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Lạng Sơn với Quảng Tây nói riêng, Việt Nam với Trung Quốc nói chung trong các lĩnh vực thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân…
Phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hội chợ là một nỗ lực tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội hợp tác, đầu tư, cùng phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Thương mại hai chiều phát triển, song hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tương đối lớn, tuy nhiên cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên không quá đáng ngại. Hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên phụ liệu sản xuất có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Việc vận chuyển hai chiều lại gặp nhiều thuận lợi do vị trí địa lý gần gũi nên doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên nhập khẩu từ thị trường này.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị tuyệt đối không thể cao như mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD.
Nhận lời mời của đồng chí Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương phía Trung Quốc, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương phía Việt Nam sẽ thăm Trung Quốc và đồng chủ trì phiên họp lần thứ 16 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc từ ngày 8-11/12. Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả nhận thức chung cấp cao, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam – Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. |
Nguồn: https://congthuong.vn/thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-tien-sat-moc-200-ty-usd-363180.html