– Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương, của tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành đã xây dựng, ban hành các quyết định, kế hoạch để triển khai thực hiện và tăng cường công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS&MN gắn với triển khai các phong trào thi đua của Trung ương, của tỉnh phát động…. Qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Quá trình tổ chức, quản lý thực hiện chương trình được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở từ công tác lập kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm; tăng cường cơ chế phân cấp trong huy động nguồn lực, nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện.
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, đúng quy định; trong giai đoạn, ban chỉ đạo chương trình MTQG các cấp đã ban hành các kế hoạch kiểm tra, chương trình công tác của các ngành, của tỉnh. Hằng năm UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình MTQG kết hợp với việc kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025 và hằng năm được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tổng kế hoạch vốn giao thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 4.178.824 triệu đồng; trong đó: ngân sách trung ương 3.974.964 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng 203.860 triệu đồng.
Trên cơ sở nguồn vốn kinh phí được giao, tỉnh đã phân bổ giai đoạn 2022-2024 là: 2.859.173 triệu đồng; trong đó: ngân sách trung ương 2.722.991 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng 136.182 triệu đồng. Từ nguồn vốn được phân bổ, các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành đã triển khai thực hiện giải ngân theo đúng mục đích của chương trình đề ra. Đến nay, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2024 đã giải ngân (tính đến hết tháng 9/2024) là: 1.604.676 triệu đồng, đạt 56% so với kế hoạch vốn đã giao; ước giải ngân đến hết năm 2024 đạt 86% so với kế hoạch vốn đã giao.
Có thể khẳng định, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Các dự án, chính sách của chương trình bao phủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác động thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS.
Qua 4 năm thực hiện chương trình, kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển khá toàn diện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, dự kiến giai đoạn 2024-2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%. Đến thời điểm này đã có 11/47 xã đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 23% so với kế hoạch giai đoạn; dự kiến đến hết năm 2025 có 47/47 xã, 47/47 thôn thuộc xã khu vực I, II và 268/268 thôn thuộc xã khu vực III thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 100% chỉ tiêu so với kế hoạch giai đoạn.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục vùng đồng bào DTTS được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, tiếp tục chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình thực hiện đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân được nâng lên; công tác phòng, chống các bệnh nguy hiểm được quan tâm chỉ đạo. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nân lên rõ rệt.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, một số dự án, tiểu dự án triển khai còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thấp, việc huy động các nguồn lực đầu tư từ cộng đồng chưa cao…
‘Để triển khai, thực hiện tốt chương trình MTQG trong giai đoạn tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc bám sát quan điểm, mục tiêu và giải pháp để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể, tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho chương trình; phát huy vai trò của cán bộ trong triển khai, thực hiện chương trình, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Cùng đó, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của chương trình; tuyên truyền huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trung ương, địa phương hoạt động trên địa bàn, chú trọng làm tốt công tác đối thoại với Nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở. Đồng thời, xác định mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở; linh hoạt vận dụng các cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện, trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng để họ thực sự là chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo.
Nguồn: https://baolangson.vn/hieu-qua-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tren-dia-ban-tinh-5028463.html