Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani chia sẻ với báo chí về chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024, Luiz Inácio Lula da Silva và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Rio de Janeiro, Brazil.
Nhân dịp này, Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani đã có những chia sẻ với báo chí về chuyến công tác sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
– Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 Rio de Janeiro 2024 tại Brazil từ ngày 18-19/11. Xin Đại sứ chia sẻ về nội dung, ý nghĩa của Hội nghị năm nay và sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại G20?
Đại sứ Marco Farani: Năm nay, Brazil và Việt Nam kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tôi cho rằng chuyến thăm Brazil lần thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện hai điểm quan trọng: Đầu tiên, đó là minh chứng cho mức độ tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia qua nhiều năm, điều này khẳng định triển vọng tích cực trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trong các lĩnh vực hợp tác quan trọng; thứ hai, chuyến thăm cũng thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các vấn đề nghĩa quan trọng trên trường quốc tế như phát triển bền vững, giảm nghèo và phân bổ công bằng hơn quyền lực quyết định trên thế giới.
Chính phủ Brazil công nhận sự vững vàng của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề này. Do đó, bên cạnh lời mời gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cũng được mời tham gia các hội thảo về nông nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới, cải cách quản trị toàn cầu.
Năm nay, Brazil đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững,” phản ánh mối quan tâm lớn đến phát triển bền vững của các nền kinh tế và đặc biệt là giảm bất bình đẳng xã hội trên thế giới.
Thực tế hiện nay phức tạp và phân cực. Căng thẳng toàn cầu leo thang đã ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi xã hội và gia tăng bất bình đẳng, đẩy các nhóm dân số dễ tổn thương vào tình cảnh đói nghèo, chưa kể các thảm họa khí hậu càng làm trầm trọng thêm bối cảnh đáng buồn này.
Trong vai trò Chủ tịch G20, Brazil đã đề xuất ba trụ cột sẽ định hướng các cuộc thảo luận tại G20, bao gồm bao trùm xã hội và cuộc chiến chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, cũng như cải cách các thể chế và quản trị toàn cầu.
Tôi tin rằng sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ đóng góp quan trọng và mang lại các giải pháp cho các vấn đề kinh tế và xã hội, vốn là trọng tâm của các cuộc thảo luận năm nay.
Trước hết, Việt Nam là một ví dụ về khả năng phục hồi và tái thiết trong lịch sử. Kinh nghiệm của Việt Nam qua nhiều năm có thể đóng góp giải pháp cho các thách thức và khủng hoảng ảnh hưởng đến nền kinh tế và phát triển xã hội, đặc biệt là ở các nền kinh tế phương Nam.
Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, là một quốc gia tự túc về sản xuất lương thực, điều này đã nâng cao mức thu nhập của người dân và tích cực nỗ lực chuyển đổi năng lượng.
Trên trường quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều tổ chức đa phương và kiên định ủng hộ giải pháp hòa bình cho các xung đột, dựa trên các nguyên tắc của khuôn khổ luật pháp quốc tế.
– Đại sứ có thể cho biết đánh giá về những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Brazil?
Đại sứ Marco Farani: Tôi rất vui khi đánh giá quan hệ hiện tại giữa Brazil và Việt Nam vì nó phản ánh sự xây dựng đối thoại tích cực và hài hòa trong những năm qua.
Gần đây, quan hệ song phương đã đạt được động lực mới với sự gia tăng trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Chỉ trong hai năm gần đây, chúng tôi đã có vinh dự tiếp đón Thủ tướng Việt Nam, trong đó hai bên đã ký các hiệp định trong nhiều lĩnh vực hợp tác như giáo dục, nông nghiệp và quốc phòng.
Năm ngoái, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Brazil, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bộ trưởng Ngoại giao cũng đã thăm chính thức Việt Nam. Các hội thảo đa ngành cũng đã được tổ chức trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Chúng tôi đã tham gia các hội nghị do Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức, trong đó đã thảo luận tiềm năng của quan hệ song phương. Chúng tôi cũng tổ chức một hội thảo cấp cao và sự kiện “Ethanol Talks,” nhằm đưa ra các giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bên cạnh đó là những trao đổi đáng chú ý giữa nhân dân hai nước, chúng tôi cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa kỷ niệm 35 năm thành lập quan hệ ngoại giao, góp phần đưa nhân dân và văn hóa hai nước đến gần nhau hơn.
– Theo Đại sứ, hai nước có những lĩnh vực hợp tác tiềm năng nào để tăng cường quan hệ song phương trong thời gian tới?
Đại sứ Marco Farani: Brazil và Việt Nam có điều kiện để làm phong phú thêm và đa dạng hóa hợp tác song phương, với nền kinh tế và chính sách ổn định, dân số ngày càng tăng, tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ lệ việc làm cao và cam kết với đổi mới, phát triển bền vững và hòa nhập xã hội.
Thương mại song phương đã đạt 7,1 tỷ USD, với triển vọng đạt 10 tỷ USD vào năm 2030. Hai nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có mức độ bổ sung cao, giúp thu hút các doanh nhân từ nhiều lĩnh vực và gia tăng triển vọng cho các cơ hội mới trong lĩnh vực này.
Brazil là một trong những nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực toàn cầu. Đây là một trong những lý do chính khiến Chính phủ Brazil đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đói nghèo trên thế giới, để mọi người có thể thoát khỏi nguy cơ đói nghèo và suy dinh dưỡng.
Tại G20, Chính phủ Brazil đã khởi xướng Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo, một trong những sáng kiến chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch. Chiến lược quan trọng này nhằm đưa các quốc gia và tổ chức lại với nhau và huy động các nguồn lực để chống lại nạn đói và nghèo đói trên toàn thế giới.
Hơn nữa, khoa học, công nghệ và đổi mới là các trụ cột phát triển của Brazil và Chính phủ đã dành nguồn lực cho việc thực hiện các dự án trong các lĩnh vực này, như trí tuệ nhân tạo, sản xuất bán dẫn và chuyển đổi số. Brazil có công nghệ xanh và một tầm nhìn về cách hòa hợp mức độ sản xuất với tính bền vững.
Tóm lại, chúng tôi có ba lĩnh vực chiến lược chính: sản xuất lương thực, chuyển đổi năng lượng và khoa học-công nghệ, chưa kể tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
– Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baolangson.vn/dai-su-marco-farani-viet-nam-se-co-dong-gop-quan-trong-tai-hoi-nghi-g20-5028588.html