– Ngày 6/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn gồm 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 5 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, việc làm này phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng, điều kiện thực hiện và đảm bảo tính giám sát, kiểm soát quyền lực.
Phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản thống nhất và tán thành với hồ sơ dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật cũng như cơ bản đồng tình với báo cáo số 9088 giải trình về luật sửa các luật.
Đóng góp ý kiến về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, trong nội dung quy định tại điểm b khoản 16 của dự thảo luật, để sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 69 Luật PPP hiện hành đã có mục đích sử dụng vốn nhà nước để “Chi trả phần giảm doanh thu” trong dự án PPP. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi, bổ sung thành “Chi trả phần giảm doanh thu, bao gồm các dự án đã đưa vào khai thác, do điều kiện và hoàn cảnh khách quan, cần bổ sung vốn nhà nước để đảm bảo hiệu quả phương án tài chính”.
Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo có thể cân nhắc sửa đổi, bổ sung thêm vào khoản 3 Điều 69 Luật PPP hiện hành theo hướng, giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, quy định cụ thể về điều kiện áp dụng, điều kiện được hỗ trợ cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.
Ngoài ra, cân nhắc thêm sự phù hợp của cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như quy định tại Điều 82 Luật PPP hiện hành đối với trường hợp, các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành có hiệu lực.
Vì theo đại biểu, hiện nay, ở một số địa phương, có những dự án BOT được ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành có hiệu lực, đã triển khai thực hiện, đưa vào khai thác và sau đó phát sinh vướng mắc, khó khăn, dẫn tới việc doanh thu sụt giảm không mong muốn, phương án tài chính bị thay đổi, thời gian thực hiện phải kéo dài.
Việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT, trong thực tế có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đại biểu chỉ đề xuất tập trung xử lý đối với các dự án BOT đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân phát sinh là do khách quan, xuất phát từ những bất cập, thay đổi trong cơ chế, chính sách hiện hành, hoặc xuất phát từ những nguyên nhân bất khả kháng khác, mà không phải do lỗi của nhà đầu tư. Để đảm bảo quan điểm lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ và không hợp pháp hoá sai phạm.
Trong trường hợp việc cân nhắc, bổ sung nội dung đề cập nêu trên vào dự thảo luật không khả thi, đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất thêm một phương án thứ hai là kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UBND cấp tỉnh ở các địa phương có các dự án BOT vướng mắc hiện nay rà soát, tổng hợp phân loại, báo cáo và trình Chính phủ, để Chính phủ có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền, theo hướng là cho phép, nghiên cứu, tham mưu xây dựng một dự thảo nghị quyết riêng của Quốc hội, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa có thể.
Nguồn: https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-mot-so-luat-lien-quan-den-dau-tu-quy-hoach-va-dau-thau-5027584.html