– Thời gian qua, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh được ngành giáo dục tỉnh quan tâm thực hiện gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó giúp học sinh rèn luyện phẩm chất, góp phần vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
Cán bộ thư viện tỉnh giới thiệu cuốn sách về đồng chí Hoàng Văn Thụ cho học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn – Ảnh: LA MAI
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bởi theo Người, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò không kém. Trong buổi nói chuyện với cán bộ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21/10/1964, Người chỉ rõ “Dạy học cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc, rất quan trọng…”.
Linh hoạt tổ chức các hoạt động
Với quan điểm giáo dục học sinh toàn diện cả về tri thức và đạo đức, tùy theo mỗi cấp học, mỗi độ tuổi, các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã có những cách thức triển khai việc học và làm theo Bác cho học sinh hiệu quả. Cụ thể, ở cấp tiểu học, các nhà trường chú trọng giáo dục học sinh theo 5 điều Bác Hồ dạy, biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, gia đình từ những việc làm nhỏ; ở bậc giáo dục trung học, các trường chú trọng giáo dục nền nếp, kỷ cương, xây dựng văn hóa học đường, lồng ghép với phong trào học và làm theo Bác.
Điển hình như tại Trường Tiểu học thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định hiện trường có hơn 700 học sinh theo học, từ năm học 2019 – 2020 đến nay, tập thể nhà trường luôn đạt tập thể lao động xuất sắc, được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Cô Nguyễn Thị Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài công tác chuyên môn là dạy học, nhà trường còn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong các buổi sáng chào cờ đầu tuần; chú trọng đưa các câu chuyện về Bác vào trong những giờ học để kể cho các em nghe. Nhờ đó, các em đều có nhận thức tốt về đạo đức, lối sống, trong 3 năm học vừa qua, gần 100% học sinh nhà trường được đánh giá đạt về năng lực, phẩm chất; trên 65% học sinh được khen thưởng cuối năm; 100% học sinh sau 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học.
Không chỉ Trường Tiểu học thị trấn Thất Khê, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có những cách làm hay, sáng tạo để giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh như lồng ghép, tích hợp vào hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học và các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, trải nghiệm sáng tạo; đồng thời thu hút, vận động học sinh tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh… mang đến cho học sinh nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn.
Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, ngoài việc giáo dục văn hóa cho học sinh, thì công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được quan tâm đặc biệt, nhất là trong hoạt động đoàn. Cô Nguyễn Thùy Chi, Bí thư Đoàn trường cho biết: Toàn trường hiện có hơn 600 đoàn viên, thanh niên. Trong những năm học vừa qua, để giáo dục đạo đức, lối sống đến đoàn viên, thanh niên, Đoàn trường đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức hoạt động ngoại khóa; phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa giả định, để tuyên truyền phổ biến pháp luật. Cùng đó phát động đoàn viên tích cực tham gia học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh… Với những cách làm thiết thực đó, trong 3 năm học vừa qua (từ năm học 2020 – 2021), 100% đoàn viên, thanh niên đều thực hiện tốt nền nếp, không có đoàn viên, thanh niên nào mắc các tệ nạn xã hội và các hiện tượng xã hội tiêu cực.
Cùng với đó, để việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được hiệu quả, các trường còn lập tủ sách về Bác, tích cực bổ sung sách về Bác Hồ vào đầu sách thư viện nhà trường. Ghi nhận tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, hiện nay có gần 200.000 cuốn sách về Bác Hồ được trang bị tại các thư viện, tủ sách trong trường học. Cùng đó, để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, 100% cơ sở giáo dục phổ thông đều duy trì việc đưa tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh” vào giảng dạy từ lớp 2 đến lớp 12 thông qua việc lồng ghép vào các môn chính khóa như đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử…
Đoàn viên, học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn dâng hương tại khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố Lạng Sơn
Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có ý nghĩa quan trọng, nhiều năm qua, ngành giáo dục tỉnh đều yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy; đoàn kết, tận tụy với sự nghiệp “trồng người”, như lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, chăm lo, giáo dục học sinh để các em phát triển toàn diện. Cùng đó, hướng dẫn các nhà trường triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ việc đổi mới cách dạy, học trong môn đạo đức, giáo dục công dân đến tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động về nguồn cho học sinh tham gia phù hợp với điều kiện nhà trường.
Toàn tỉnh hiện có 430 trường từ phổ thông đến trường chuyên nghiệp. Những năm học vừa qua, các nhà trường đã tích cực tổ chức hoạt động ngoại khóa như: các hoạt động về nguồn, nói chuyện truyền thống, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, các đợt sinh hoạt chính trị “Tiếp lửa truyền thống”, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ… Đặc biệt, không chỉ tự tổ chức, trong những năm gần đây, các trường còn phối hợp với các đơn vị lực lượng chức năng tổ chức hoạt động trải nghiệm giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp. Trong đó, ở cấp tiểu học nhiều trường đã phối hợp với các đơn vị quân đội cho trẻ tham quan doanh trại quân đội hoặc phối hợp với đơn vị công an tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông; cấp THCS và THPT phối hợp với các đơn vị công an, viện kiểm sát, các đơn vị đoàn thanh niên tổ chức hoạt động tìm hiểu kiến thức pháp luật, tư vấn học đường cho học sinh… theo đó, từ năm học 2022 – 2023 đến nay, có hơn 120 hoạt động trải nghiệm được phối hợp triển khai ở các trường.
Đặc biệt, từ năm học 2022 – 2023 đến nay, 100% trường từ THCS trở lên trên địa bàn tỉnh đều triển khai, phát động học sinh tham gia cuộc thi trắc nghiệm “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó tạo sức lan tỏa về học và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức theo gương Bác Hồ.
Em Hoàng Thị Minh Thùy, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khi nhà trường phát động cuộc thi tìm hiểu về Bác, em đã tích cực tham gia, qua cuộc thi đã giúp em có được những hiểu biết về Bác, từ đó phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Cụ thể, trong quá trình học tập, em luôn quyết tâm phấn đấu học tập thật tốt, học từ sách vở, học qua thầy cô, bạn bè, bởi vậy trong những năm học tại trường em đều đạt kết quả học tập từ khá trở lên ở tất cả các môn học. Bên cạnh đó, ngoài giờ học chính khoá, em còn hăng hái tham gia các phong trào hoạt động do nhà trường phát động và hoạt động thanh niên tình nguyện của Đoàn trường như ngày thứ 7 xanh, tham gia tiếp sức mùa thi… để góp sức trẻ vào hoạt động chung vì cộng đồng, xã hội.
Từ những việc làm thiết thực, sau nhiều năm triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống gắn với nội dung học tập và làm theo gương Bác, nhận thức và việc làm của học sinh trong các nhà trường đã có chuyển biến tích cực. Trong thời gian qua, nhiều học sinh đã thể hiện được phẩm chất vượt khó, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện để cùng nhau tiến bộ. Nhờ đó, môi trường giáo dục ngày càng trở nên thân thiện, nền nếp học tập của học sinh được duy trì, kỷ cương, kỷ luật cơ bản được giữ vững. Theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, từ năm học 2020 – 2021 đến nay, ở cấp tiểu học có trên 99% học sinh được xếp loại phẩm chất từ đạt trở lên; cấp THCS và THPT có trên 95% học sinh được xếp loại từ hạnh kiểm khá trở lên. Nếu như năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 807 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (lớp 9 và lớp 11), đến năm học 2022 – 2023 có 960 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh (tăng 153 học sinh); không chỉ học sinh giỏi cấp tỉnh mà số học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng tăng lên, năm học 2020 – 2021 có 10 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, đến năm học 2022 – 2023 có 16 học sinh.