– Ngày 6/9, UBND tỉnh tổ chức họp trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 3. Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, sáng 5/9, bão số 3 (YAGI) đã mạnh lên thành siêu bão. Hồi 7 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20 km/h.
Dự báo từ sáng 7/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ, tỉnh Lạng Sơn bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3, từ đêm 6 đến sáng 9/9, trên địa bàn tỉnh khả năng xảy ra đợt mưa to đến rất to và dông từ 100 mm đến 300 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt có thể gây ra ngập úng cục bộ và sạt lở đất, đặc biệt tại các khu vực có địa hình dốc.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 như chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện ứng phó; tổ chức di dời người dân tại các khu vực xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn; tổ chức trực 24/24; chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ ứng phó bão số 3 ở mức cao nhất; tiếp tục chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và tình hình mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức ngay các đoàn kiểm tra xuống cơ sở để chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão số 3.
Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan chủ động rà soát các phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra; triển khai các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dân, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu; chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ người dân; sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu đô thị, khu tập trung đông dân cư…
Nguồn: https://baolangson.vn/trien-khai-khan-cap-cac-bien-phap-ung-pho-bao-so-3-5020647.html