– Từ cuối tháng 7/2024 đến nay, do thời tiết chuyển mùa, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao và sương mù nhiều đã tạo điều kiện cho sâu bệnh xuất hiện gây hại trên cây hồi. Để không bùng phát thành dịch, cơ quan chuyên môn, người dân trên địa bàn huyện Tràng Định đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng trừ, tránh để lây lan ra diện rộng.
Bà Nông Thị Loan, thôn Kéo Vèng, xã Kim Đồng cho biết: Gia đình tôi có khoảng 1 ha hồi trồng được hơn 20 năm. Từ cuối tháng 7/2024, trên lá hồi xuất hiện những vết tròn như nhũn nước, các vết đó lớn dần có tâm màu xám trắng. Ngoài ra, các cành của cây hồi cũng bị sâu bệnh, gây chết khô cành. Ngay khi phát hiện, tôi đã thông tin với cán bộ nông, lâm xã. Sau đó, được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống lấy mẫu để kiểm tra và hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng trừ.
Cũng như gia đình bà Loan, diện tích hồi của gia đình ông Bế Văn Hành, thôn Kéo Quân, xã Tri Phương cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Ông Hành cho biết: Nhà tôi có khoảng 0,5 ha hồi, trung bình mỗi năm sản lượng ước đạt trên 6 tạ. Tuy nhiên năm nay, sản lượng ước chỉ đạt khoảng 3 tạ. Nguyên nhân khiến sản lượng giảm mạnh là do trên cây hồi xuất hiện một số nấm bệnh làm khô lá, chết cành. Hiện gia đình vừa đẩy mạnh việc thu hái quả vừa thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ và thu dọn tàn dư lá nhiễm bệnh rơi dưới gốc.
Không chỉ tại 2 hộ kể trên, hiện nay, hiện tượng nấm bệnh còn xuất hiện ở rừng hồi của một số hộ dân trên địa bàn các xã khác. Qua tìm hiểu thông tin chúng tôi được biết, toàn huyện Tràng Định có trên 2.500 ha hồi, trong đó, có hơn 1.700 ha cho thu hoạch. Hiện nay, diện tích hồi bị nhiễm nấm bệnh khoảng 200 ha (đây là huyện có diện tích nhiễm nhiều nhất tỉnh). Trong đó, diện tích nhiễm nhiều nhất tại xã Kim Đồng.
Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã báo cáo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Đồng thời, cử cán bộ đến lấy mẫu và gửi giám định. Qua đó, xác định cây hồi có hiện tượng phần chóp và mép lá bị đốm, cháy khô do nấm Colletotrichum gây hại hay còn gọi là bệnh thán thư và hiện tượng chết cành do nấm đảm. Đối với bệnh này, nếu không phòng trừ kịp thời, bệnh sẽ lây lan làm rụng lá hàng loạt, chết khô cành và dần dần làm cho cây hồi bị chết.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Trước đó, bệnh nấm này đã xuất hiện trên cây hồi với diện tích nhỏ lẻ, đơn vị đã truyên truyền bà con biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, nấm bệnh xuất hiện nhiều hơn so với những năm trước. Loại nấm bệnh này gây hại nặng ở giai đoạn ra hoa, quả sắp thu hoạch và sau thu hoạch. Để phòng trừ, trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở theo dõi, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ theo các loại nấm thông thường như: phát quang rừng hồi, thu gom lá bị bệnh để tiêu hủy, chăm sóc, bón phân cho cây… tránh để bệnh lây lan diện rộng.
Ngoài ra, do cây hồi rất cao, gây khó khăn cho việc phun thuốc phòng trừ bệnh, trung tâm đã hỗ trợ người dân phun thử nghiệm bằng bình phun khói. Qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, nấm bệnh được hạn chế và không phát sinh, lây lan sang diện tích khác.
Cùng đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức 5 lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây trồng, vật nuôi, trong đó có cây hồi cho người dân tại các xã trên địa bàn huyện. Do đó, người dân có thêm kiến thức chủ động ứng dụng vào thực tế để chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây hồi.
Với sự chủ động của người dân và cơ quan chuyên môn, đến nay, nấm bệnh trên cây hồi đã giảm dần và không lây lan, phát sinh rộng ra các diện tích khác.
Hiện nay, hồi đang trong giai đoạn thu hoạch. Dự báo trong thời gian tới, điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh, gây hại, do đó, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ thu hái và chủ động các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn.
Nguồn: https://baolangson.vn/trang-dinh-diet-tru-sau-benh-hai-cay-hoi-lan-rong-5019385.html