Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Tại phiên họp, các ĐBQH đã tiếp tục chất vấn, tranh luận đối với nhóm vấn đề thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Theo đó, các ĐBQH chất vấn về các vấn đề: khó khăn trong tổ chức phiên tòa trực tuyến; tháo gỡ vướng mắc trong công tác định giá tài sản trong các vụ án hình sự; cơ chế, chính sách đối với cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính; lộ trình hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính; thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, người có tài năng vào khu vực công…
Các câu hỏi chất vấn đã được Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời, làm rõ.
Trong chương trình, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, đối với các nội dung của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng năm 2024 của nước ta tiếp tục có xu hướng phát triển tích cực, đồng thời cung cấp thêm thông tin về một số vấn đề liên quan thuộc các lĩnh vực được chất vấn và trả lời chất vất.
Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, các ĐBQH và đồng bào, cử tri cả nước, để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Trong phiên họp đã có 75 lượt ĐBQH phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận, còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH gửi câu hỏi qua Tổng Thư ký Quốc hội để gửi đến các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành trả lời bằng văn bản theo quy định.
Đồng chí đánh giá cao các ĐBQH đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới.
Đồng chí đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành.
Nguồn: https://baolangson.vn/phien-hop-thu-36-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-be-mac-phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-5019216.html