– Năm 2023, huyện Hữu Lũng triển khai mô hình chăm sóc trám đen theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Trám đen là cây được người dân Hữu Lũng đưa vào trồng từ lâu. Tuy nhiên trước đây, người dân chủ yếu trồng theo cách truyền thống, để cây phát triển tự nhiên, không chú trọng việc chăm sóc nên hiệu quả kinh tế đem lại không ổn định. Trước thực tế đó, để nâng cao năng suất, chất lượng cây trám đen, từ năm 2018 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển cây trám đen, nổi bật là mô hình chăm sóc trám đen theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện từ tháng 8/2023 tại xã Quyết Thắng và xã Đồng Tiến với diện tích 8,69 ha, 12 hộ tham gia.
Là một trong những hộ tham gia mô hình, chị Lương Thị Nhị, thôn Trãng, xã Quyết Thắng cho biết: Năm 2019, gia đình tôi đã đầu tư trồng khoảng 600 cây trám đen. Đến năm 2023, khi được xã tuyên truyền, gia đình tôi đã đăng ký tham gia mô hình chăm sóc trám đen theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, gia đình đã chú trọng áp dụng khoa học kĩ thuật vào khâu chăm sóc và nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Cây trám đen sinh trưởng, phát triển rất tốt, mặc dù năm 2023 mới là năm đầu tiên cây bói quả nhưng gia đình tôi đã thu được hơn 4 tạ trám, với giá bán từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, thu về hơn 30 triệu đồng. Sau vụ trám năm 2023, gia đình tôi tiếp tục duy trì việc chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó tỉ lệ đậu quả rất cao. Dự kiến năm nay sản lượng trám ước đạt khoảng 7 tấn.
Ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Năm 2023, mô hình chăm sóc trám đen theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trên địa bàn xã với diện tích 5,69 ha. Toàn xã có 11 hộ tham gia mô hình. Theo đó, tất cả các hộ đều được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và hỗ trợ phân bón. Qua triển khai mô hình cho thấy, cây trám đen được chăm sóc theo quy trình VietGAP có tỉ lệ đậu quả cao hơn khoảng 30% so với trước đây. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng trám đen theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để hỗ trợ người dân thực hiện mô hình, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 80% phân bón, vật tư phục vụ sản xuất và biển chỉ dẫn cho các hộ dân tham gia mô hình; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho người dân; đồng thời phối hợp với chính quyền xã theo dõi, hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng quy trình…
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, cây trám đen được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng tốt, hạn chế được sâu bệnh hại tấn công. Cụ thể, 8,69 ha trám đen tham gia mô hình hiện đã có khoảng 80% diện tích cây đã bắt đầu đến tuổi cho thu hoạch. Theo đó, đối với cây mới bói quả năm đầu cho thu từ 3 đến 5 kg/cây, đối với cây đã cho thu hoạch từ 2 năm trở lên đạt khoảng 30 đến 40kg/cây, cao hơn khoảng 30 đến 40% với quy trình chăm sóc truyền thống.
Bên cạnh đó, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm đảm bảo, quả trám to, đẹp và được bán ra thị trường với mức giá ổn định từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg.
Bà Linh Thu Hường, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng, chăm sóc trám đen theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hằng năm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, trong đó lồng ghép kiến thức về cây trám đen cho người dân. Đồng thời, phòng cũng chủ động tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp xây dựng liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, hướng đến xây dựng thương hiệu để nâng cao hơn nữa giá trị của sản phẩm.
Có thể thấy, mô hình chăm sóc trám đen theo tiêu chuẩn VietGAP đã bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, thành công của mô hình còn góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ của bà con nông dân, qua đó, hướng người dân đến gần hơn với xu hướng sản xuất xanh, bền vững.
Nguồn: https://baolangson.vn/huu-lung-tang-hieu-qua-kinh-te-tu-mo-hinh-trong-tram-den-theo-tieu-chuan-vietgap-5018891.html