Mặc dù tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng tính đến thời điểm cuối năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước thu nhập trung bình cao.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình năm 2024 trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho biết một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023 đạt cao hơn số liệu ước tính đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tốc độ tăng GDP năm đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%), tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực.
Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25% (đã báo cáo tăng khoảng 3,5%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.
Trước đó, tại thời điểm tháng 12/2024, Tổng cục Thống kê cho biết với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 5,05% so với năm trước, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm.
Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân. Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã thực hiện đạt gần 191,5 nghìn tỷ đồng.
Chỉ tiêu quan trọng khác là bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho biết, tính đến hết năm 2023, ngân sách nhà nước đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác cũng chuyển biến tích cực hơn. Đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 15 tỷ USD), góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ cân đối ngoại tệ.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 39,4 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 27-30 tỷ USD), tăng 34,5%; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 20-22 tỷ USD), tăng 3,5%, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2023 cũng ghi nhận có sự chuyển biến vượt bậc trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông. Công tác quy hoạch được tập trung triển khai quyết liệt, chất lượng được nâng lên, tạo điều kiện để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.