Tối 20/5, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất năm 2024 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức đã bế mạc tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng.
Sau một tuần diễn ra sôi nổi (từ 13/5), 14 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan đã mang đến 17 vở diễn đặc sắc dành cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng, được thể hiện ở nhiều loại hình: kịch nói, chèo, rối, xiếc…
Tổng kết về chất lượng nghệ thuật của Liên hoan, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan nhận định: Mỗi tác phẩm tham dự Liên hoan đều chuyển tải thông điệp giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho các em nhỏ một cách nhẹ nhàng, dí dỏm.
Có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam, những bài học trong sách giáo khoa như “Cây tre trăm đốt”, “Tiếng đàn Thạch Sanh”, “Nắm xôi kỳ diệu – Chuyện thằng Bờm”, “Lời bà kể”; có những vở diễn tái hiện lịch sử, các nhân vật anh hùng ở tuổi thiếu niên như “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Mặt trời quê hương”.
“Đây là hướng tiếp cận rất hiệu quả tới thiếu niên nhi đồng nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, tôn vinh ý chí quật cường, dũng cảm của những tấm gương thiếu niên anh hùng thông qua một tác phẩm sân khấu”-Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng có những vở diễn đưa các câu chuyện cổ tích thế giới, các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử được các em nhỏ yêu thích lên sân khấu như: “Bầy chim thiên nga”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, “Rồng thần trở lại”…, với sự đầu tư công nghệ kỹ thuật mới, các trò diễn bằng hình ảnh, những câu “trend” quen thuộc tạo nên hiệu ứng tương tác sôi nổi. Một số vở diễn đã đề cập tới các vấn đề xã hội như bạo lực học đường hay những vấn nạn nhức nhối đang diễn ra trong thực tế như: “Màu của ước mơ”, “Tiếng chuông cảnh tỉnh”, “Nước mắt tuổi thơ”…
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, Liên hoan cũng bộc lộ một số hạn chế như: tác giả, tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi còn quá ít, một số thành phần sáng tạo và diễn viên vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm dự thi của mình nên chưa tạo được góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu thu hút trẻ nhỏ. Một số đơn vị cũng chưa thực sự phân biệt rõ giữa tác phẩm đề tài thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhi, dẫn đến một số vở diễn không thực sự hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi…
“Chúng tôi mong muốn Liên hoan sẽ là một cú hích để những người làm nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật, các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành dành sự quan tâm xứng đáng cho nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng, để các em từ biết đến hiểu, từ hiểu đến yêu thích, từ yêu thích đến say mê và bằng cảm quan trong tâm hồn có thể thẩm định một tác phẩm sân khấu theo cách riêng của mình”-Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc bày tỏ.
Bế mạc Liên hoan, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ mong muốn, từ liên hoan nghệ thuật lần này, các nghệ sĩ sẽ có thêm những kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ, sáng tạo thêm nhiều tác phẩm ý nghĩa, chất lượng hơn để phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng, những chủ nhân tương lai của đất nước, đồng thời xây dựng được đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu.
Chung cuộc, Ban tổ chức trao 4 Huy chương Vàng cho các vở diễn: “Chú mèo dạy hải âu bay” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Rồng thần trở lại” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng), và vở “Nắm xôi kỳ diệu – Chuyện thằng Bờm” (Nhà hát Chèo Hà Nội).
3 huy chương Bạc được trao cho các vở: “Tấm Cám-Bống bống bang bang” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Mặt trời quê hương” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” (Sân khấu Sen Việt).
Liên hoan cũng trao 25 giải Vàng, 37 giải Bạc cho diễn viên.
Bên cạnh đó là 7 giải xuất sắc trao cho các thành phần sáng tạo, bao gồm: Đạo diễn xuất sắc (Đào Duy Anh, vở “Chú mèo dạy hải âu bay”); Nhạc sĩ xuất sắc (Tuấn Nghĩa, vở “Dế Mèn phiêu lưu ký”), Họa sĩ xuất sắc (Nghệ sĩ Ưu tú Văn Trực, vở “Nắm xôi kỳ diệu – Chuyện thằng Bờm”); Biên đạo múa xuất sắc (Phùng Khải, vở “Cây tre trăm đốt”); Đạo diễn âm thanh xuất sắc (Đặng Thế Hiếu, vở “Rồng thần trở lại”); Thiết kế ánh sáng xuất sắc (Việt Tuấn, vở “Mặt trời quê hương”); Họa sĩ tạo hình xuất sắc (Nghệ sĩ Ưu tú Thế Khiển, vở “Dế Mèn phiêu lưu ký”).