Tại chuyến thị sát công trường dự án cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong, kiểm tra công tác thi công hầm Tuy An ngày 29/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, lắp đặt đồng bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS) để vận hành hiệu quả các hầm đường bộ.
Phấn đấu hoàn thành dự án dịp 2/9/2025
Dự án cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong có tổng chiều dài 48,25km, nằm trên địa phận tỉnh Phú Yên, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công đầu năm 2023, theo kế hoạch cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2025. Trong dự án, có công trình hầm Tuy An dài 1.020m thuộc gói thầu XL01 được thực hiện bởi Liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Sau khi trực tiếp thị sát công trường và nghe báo cáo tại vị trí cửa nam hầm Tuy An, Thủ tướng biểu dương các bộ ngành, Ban Quản lý dự án 7, địa phương và Liên danh nhà thầu đã thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và thi công dự án, đồng thời, đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khí thế thi công “xuyên lễ” của đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân các nhà thầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đôn đốc các sở ngành cấp mỏ đất đá cho Ban Quản lý dự án và nhà thầu để thi công. Ban Quản lý dự án cần kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng, an toàn lao động. Về vấn đề nền đất yếu, cần tập trung nghiên cứu phương án xử lý nhanh nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Cũng tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp thăm hỏi, động viên người lao động tại công trường dự án và đề nghị các nhà thầu tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho đời sống người lao động.
“Làm tốt phải được thưởng, làm chưa tốt phải phê bình, tiêu cực tham nhũng thì phải cương quyết xử lý. Tất cả các tập trung tối đa, phát huy tinh thần “3 ca 4 kíp”, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, đối với hầm Tuy An là hạng mục “đường găng” của toàn dự án, Thủ tướng nói: “Tập đoàn Đèo Cả được mệnh danh là “vua hầm” rồi, vậy thì phải cố gắng làm sao đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, phấn đấu hoàn thành toàn dự án vào dịp 2/9/2025”.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cam kết, trong phạm vi công việc được giao, Liên danh nhà thầu sẽ cùng với Ban Quản lý dự án và các bên liên quan nỗ lực hết mình để đưa dự án về đích trước dịp 2/9/2025 như kỳ vọng của Thủ tướng.
Nâng cao hiệu quả vận hành hầm đường bộ
Cũng tại đây, ông Hồ Minh Hoàng đã báo cáo Thủ tướng về thực tế công tác vận hành các công trình hầm đường bộ. Theo đó, công trình hầm thông thường gồm hai ống hầm, lưu thông mỗi chiều trong 1 ống hầm sẽ bảo đảm an toàn giao thông hơn, đồng thời giảm chi phí vận hành dự án.
Điển hình tại hầm Hải Vân, trước khi ống hầm 2 được hoàn thành đưa vào sử dụng, trung bình mỗi năm xảy ra hơn 3.800 sự cố mất an toàn giao thông. Sau khi hầm Hải Vân vận hành 2 ống hầm, các sự cố giảm đi 6,5 lần so với khi vận hành 1 ống hầm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều công trình hầm trên tuyến cao tốc bắc-nam vẫn đang vận hành chỉ 1 ống hầm. Hệ thống vận hành chưa được đầu tư hiện đại, hoàn chỉnh dẫn đến khó kiểm soát, phát hiện và kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra các sự cố giao thông trên tuyến.
Do vậy, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện hệ thống hầm đường bộ hoàn chỉnh gồm 2 ống hầm; đồng thời, lắp đặt hệ thống giao thông thông minh cho toàn bộ các hầm trên cao tốc bắc-nam để bảo đảm các công trình được vận hành an toàn, thông suốt.
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm để có nguồn kinh phí trong tổng mức đầu tư dự án phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quản lý, vận hành các công trình giao thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kiến nghị của Tập đoàn Đèo Cả là phù hợp thực tiễn. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan rà soát thiết kế, bổ sung 2 ống, nghiên cứu lấy nguồn dự phòng của các dự án để nhanh chóng triển khai bổ sung ống hầm 2 cho các hầm trên cao tốc bắc-nam bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao thông.
“Bổ sung vốn đầu tư, lấy từ vốn dự phòng để làm hệ thống giao thông thông minh (ITS), rà soát các vị trí cần có trạm dừng nghỉ đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Tôi cũng tán thành việc bổ sung kinh phí để đào tạo nhân lực quản lý vận hành các công trình giao thông”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, ngay từ giai đoạn đầu đảm nhiệm công tác quản lý khai thác các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân 2, Tập đoàn Đèo Cả đã cử 100 nhân sự sang Nhật Bản, Phần Lan để đào tạo nâng cao kiến thức, huấn luyện các kỹ năng quản lý vận hành, cứu hộ cứu nạn,… Đến nay, tổng số cán bộ Tập đoàn Đèo Cả có nghiệp vụ quản lý, vận hành các công trình là hơn 1.000 người.
Đèo Cả tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý các công trình hầm thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn “thực chiến” tại Trung tâm Huấn luyện thực hành Đèo Cả, Viện Nghiên cứu đào tạo Đèo Cả, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam và các trường đại học, cao đẳng để đào tạo nhân lực quản lý vận hành hầm đường bộ, đường cao tốc, cầu lớn cho doanh nghiệp và cho ngành giao thông trong nước, tiến tới đào tạo cả lĩnh vực vận hành đường sắt.