Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng phát triển du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ du lịch còn yếu, chưa có sản phẩm đặc trưng để đáp ứng nhu cầu du khách.
Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau đại dịch COVID-19, du lịch Quảng Ngãi dần hồi phục và đạt được những kết quả tích cực. Riêng trong năm 2023, Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng 64% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 15.200 lượt, tăng 38%. Doanh thu đạt 1.018 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, tổng lượt khách đến Quảng Ngãi đạt hơn 100.000 lượt, tăng 2,8 lần. Tổng doanh đạt 57 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ.
Các khu, điểm du lịch thu hút đông khách du lịch tại Quảng Ngãi tiêu biểu như chùa Minh Đức, biển Minh Tân, Mỹ Khê, Gành Yến, bàu Cá Cái, rừng dừa Cà Ninh, Suối Chí, làng hoa Nghĩa Hà…
Hiện trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; khoảng 380 cơ sở lưu trú; 02 khu du lịch cấp tỉnh (Mỹ Khê, Lý Sơn) và 03 điểm du lịch được công nhận (Thác Trắng, Minh Tân, thành cổ Quảng Ngãi).
Thời gian qua, du lịch Quảng Ngãi chú trọng 3 dòng sản phẩm chủ đạo gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch còn yếu chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm thế mạnh vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát huy hết nguồn lực.
Đặc biệt, loại hình du lịch biển đảo vẫn chịu ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, nhiều bãi biển quá tải vào mùa hè dẫn đến hệ lụy về môi trường nhưng vắng khách vào mùa đông, mặt khác sản phẩm du lịch biển đảo thường gắn liền với nghĩ dưỡng cao cấp, khả năng cạnh tranh về loại hình này của địa phương không thể sánh bằng các tỉnh, thành lân cận, do đó Quảng Ngãi cần xác định lại sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng khai thác hiệu quả, đó là sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Giữ lại nét mộc mạc của nông thôn
Theo ý kiến của các đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh, để du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn văn hóa và thiên nhiên thì phải giữ lại nét mộc mạc nhất có thể của thôn làng, nét riêng cái độc đáo của nông thôn, của điểm đến và xác định cho được cái mà mình có duy nhất, nơi khác không có.
“Không cần đầu tư quá nhiều để mở rộng đường, cầu mà chú ý phát triển hạ tầng mềm tạo sự thoải mái và tiện nghi cho du khách như chỗ nghỉ chân, nơi ngắm cảnh, điểm check-in lưu lại kỷ niệm với điểm đến, ví dụ cánh đồng lúa, ruộng muối sa huỳnh…”, đại diện đơn vị du lịch Cocotravel cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một quá trình cần nhiều thời gian để thực hiện. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi nhận thức về làm du lịch, đó là việc phát triển du lịch là để làm kinh tế và đây là trách nhiệm của cả hệ thống chứ không riêng gì của ngành du lịch.
Vừa qua, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Tổ công tác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn nhằm tập trung khai thác phát huy thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và kịp thời hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã bám sát các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng nghề du lịch cần thiết cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để phục vụ khách nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ như nấu ăn, giao tiếp, hướng dẫn viên tại điểm.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc để thu hút du khách đặc biệt trong tháng 4, 5 có Tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch; hội thảo phát triển du lịch các vịnh, đảo đẹp nhất châu Á tại huyện Lý Sơn; giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng tại biển Mỹ Khê; giải vô địch dù lượn quốc tế và lễ hội khinh khí cầu “Bay lên Lý Sơn” tại Lý Sơn…
“Đây là cơ hội để quảng bá sâu rộng lịch sử, văn hóa, con người cũng như tiềm năng du lịch, nhằm đưa hình ảnh Quảng Ngãi đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho hay.