Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
– Tiếp tục chương trình tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, ngày 30/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sau hơn 2 năm thực hiện, việc triển khai các CTMTQG còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả, mục tiêu của chương trình cũng như các mục tiêu kinh tế – xã hội. Vì vậy, Nghị quyết số 47 năm 2022 của Quốc hội đã xác định chương trình giám sát năm 2023 quyết định lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề này nhằm nhận diện đầy đủ những vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và tháo gỡ kịp thời, giúp việc triển khai 3 CTMTQG có hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm trong báo cáo giám sát, đặt biệt là về vai trò, ý nghĩa, mối quan hệ của 3 CTMTQG giai đoạn trước với giai đoạn này, và giữa 3 chương trình của giai đoạn này; tính phù hợp, khoa học trong việc xác định đối tượng, địa bàn, nội dung chính sách, tiêu chí, các chỉ tiêu đạt được thực chất về phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 CTMTQG
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường
Phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, tỷ lệ đối ứng của CTMTQG xây dựng nông thôn mới cao, trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương còn hạn chế nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đối ứng theo quy định. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng đối với các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách trung ương, để tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương mà không mất đi nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh miền núi, các tỉnh nhận hỗ trợ lớn ngân sách từ trung ương để thực hiện các công trình giao thông, nhất là ở khu vực miền núi.
Về thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đại biểu nhất trí với dự thảo nghị quyết của Quốc hội là quan tâm bố trí tăng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nâng định mức cho vay để thực hiện các CTMTQG, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm lãi suất đối với một số chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất.
Đối với mức hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, đại biểu cho rằng mức hỗ trợ xây mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa là 20 triệu đồng/hộ là chưa đủ để có thể đảm bảo được yêu cầu 3 “cứng” về chất lượng sau khi được hỗ trợ. Đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ xây nhà lên 70% đến 80% giá trị nhà ở đạt tiêu chí cho hộ nghèo.