Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 – 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% – 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, Quốc hội nghe các báo cáo về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024 – 2026; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức
Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới biến động nhanh, mạnh, phức tạp, nhiều rủi ro; nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt quá khả năng dự báo, ảnh hưởng sâu, rộng, toàn diện, cần thời gian để ứng phó, thích ứng. Trong nước, nền kinh tế trải qua 03 giai đoạn cơ bản, từ phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ đà lây lan của đại dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, mở cửa lại nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và ứng phó, thích ứng với những khó khăn, thách thức mới của kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 chiều 23/10. Ảnh: QH
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (KTXH); mặc dù còn những hạn chế, bất cập nhưng về cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực…
Sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển KTXH, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Một số chỉ tiêu KTXH chủ yếu giai đoạn 2021 – 2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016 – 2018. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế nước ta sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng; việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đáp ứng yêu cầu tạo chuyển biến nhanh về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đầu tư cho văn hoá còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; thu nhập của người dân còn ở mức trung bình thấp, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; an sinh xã hội, giảm nghèo còn nhiều thách thức…
Về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động để tổ chức thực hiện; trong đó, đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án. Việc thực hiện Kế hoạch tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản bám sát mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Tuy nhiên, bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.
Trong thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để vừa chống chịu, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, vừa tranh thủ thời cơ, cơ hội, động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng, tăng tốc phát triển KTXH nhanh và bền vững; tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế theo hướng cấp nào ban hành cấp đó tháo gỡ; báo cáo cấp trên trực tiếp vấn đề vượt thẩm quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực…
Mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% – 7% là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn
Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, về tình hình kinh tế – xã hội 3 năm 2021 – 2023, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, các kết quả, nhận định và đánh giá cần phải bám sát Nghị quyết số 16/2021/QH15 và các nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan và sát với tình hình thực tế hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 chiều 23/10. Ảnh: QH
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và không thể dự báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Trong nước, Việt Nam phải thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế…
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi và phát triển KTXH đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ triển khai quyết liệt và linh hoạt. Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và nhiều nghị quyết khác đã được ban hành kịp thời với quy mô lớn và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH.
Về tình hình KTXH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sau 02 năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 cộng với bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhiều rủi ro, KTXH nước ta đã phục hồi, đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6 – 6,5%); 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, cả năm dự báo khoảng 5 – 5,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Lạm phát cơ bản được kiểm soát phù hợp; cơ cấu thu ngân sách được củng cố; bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 03 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận.
Ủy ban Kinh tế đánh giá những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận; tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế như: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi biến chủng Delta bùng phát mạnh; còn tình trạng tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tuy nhiên, chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; Thu NSNN thường xuyên vượt so với dự toán, phản ánh xây dựng dự toán thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo…
Về hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát, phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, Chính phủ, các Bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 – 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% – 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết cần nhấn mạnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 và các nghị quyết khác có liên quan của Quốc hội.
Cụ thể: Bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; Triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại; Nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng thời cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ tri thức giai đoạn 2021 – 2030; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và các trường đại học của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua CTMTQG về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/kinh-te/muc-tieu-tang-truong-binh-quan-khoang-6-5-7-la-mot-nhiem-vu-vo-cung-kho-khan-650101.html