– Những năm qua, việc triển khai cho vay chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn do hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân được vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tiếp sức, thay đổi diện mạo nơi vùng khó.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn hướng dẫn người dân vay vốn chương trình cho vay
sản xuất kinh doanh
Để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng, miền, ngày 5/3/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Thông qua đó đã giúp hàng nghìn hộ dân sinh sống tại vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả.
Gia đình bà Lương Thị Trường, thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng là một trong những hộ được vay vốn từ chương trình SXKD để phát triển kinh tế. Bà Trường chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Năm 2017, gia đình tôi được tiếp cận với chương trình cho vay SXKD tại vùng khó khăn của NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã có vốn để chăm sóc một số diện tích na đã trồng trước đó và mở rộng diện tích trồng. Hiện nay, gia đình tôi đã trồng được hơn 2.000 cây na, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Hữu Lũng là một trong những huyện có dư nợ chương trình cho vay SXKD cao của tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 2.605 hộ đang sử dụng vốn chương trình với dư nợ trên 119 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 24 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã được vay chương trình cho vay SXKD. Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, căn cứ nhu cầu thực tế, đơn vị tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện giao vốn về các xã và triển khai đến các thôn, bản. Từ đó, các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay và gửi hồ sơ cho ngân hàng giải ngân kịp thời.
Không chỉ huyện Hữu Lũng, những năm qua, chương trình cho vay vốn SXKD đều được triển khai hiệu quả tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình cho vay này đã giúp nhiều hộ sinh sống tại các xã vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần “thay da, đổi thịt” tại các vùng đất khó.
Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến ngày 15/8/2023, tổng dư nợ cho vay của chương trình đạt trên 747 tỷ đồng, với 16.791 hộ còn dư nợ. Doanh số cho vay từ đầu năm 2023 đến nay đạt 89,8 tỷ đồng với 2.049 hộ vay.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để đồng vốn của chương trình bao phủ khắp các xã, thôn được thụ hưởng, tại mỗi xã, chi nhánh đều đặt điểm giao dịch và tổ chức giao dịch trực tiếp vào ngày quy định. Cán bộ ngân hàng sẽ trực tiếp hướng dẫn các hộ dân xây dựng phương án sản xuất, lập hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Đối với những thôn, bản đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tuyên truyền, tư vấn tại hộ nhằm nâng cao nhận thức cũng như xác định khả năng đầu tư cho phù hợp hoàn cảnh gia đình.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn vay của các hộ dân nơi vùng khó, nhiều năm qua, chương trình đã được điều chỉnh mức vay phù hợp, giúp các hộ tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Mới đây, ngày 5/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg về tín dụng tại vùng khó khăn, quyết định có hiệu lực từ ngày 8/8/2023. Theo đó, mức vay vốn được tăng tối đa từ 50 triệu đồng/người lên 100 triệu đồng/người. Đây là tin vui đối với các hộ SXKD tại vùng khó khăn có thêm điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để đầu tư mở rộng quy mô, tăng năng lực SXKD.
Nhờ hiệu quả của nguồn vốn, nhiều người dân ở vùng khó khăn đã có vốn xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả từ chăn nuôi, trồng trọt; phát triển kinh doanh, dịch vụ, nhiều hộ có thu nhập bình quân từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, nguồn vốn đã góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh chăn nuôi được trên 20.000 con gia súc, gia cầm; trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả được gần 30.000 ha… Qua kiểm tra, hầu hết các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, điều đó thể hiện ở tỷ lệ nợ quá hạn chương trình chỉ chiếm 0,06%.
Có thể thấy, nguồn vốn chương trình đã thật sự trở thành động lực quan trọng giúp người dân vùng khó vươn lên, góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.