– Đã 78 năm trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2023) vẫn còn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng tại các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn tỉnh thông qua hàng trăm hình ảnh, hiện vật lịch sử quý giá.
Cán bộ các cơ quan, đơn vị tìm hiểu lịch sử thông qua các tư liệu, hiện vật về thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Đến Bảo tàng tỉnh một ngày đầu tháng tám, chúng tôi bị thu hút bởi khẩu pháo cỡ lớn được đặt trong khuôn viên sân Bảo tàng. Đó là khẩu pháo nòng 155mm được sản xuất khoảng năm 1917, là một trong những khẩu pháo được quân Pháp sử dụng trong thời kỳ đánh chiếm Lạng Sơn (1939-1945), đây là hiện vật tiêu biểu minh chứng cho tội ác của quân Pháp một thời, giúp người xem hồi tưởng lại quá trình đấu tranh cam go, ác liệt giành chính quyền tại thị xã Lạng Sơn. Hiện vật do ông Hoàng Ánh Dương, khối Đèo Giang, thành phố Lạng Sơn chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh.
Ông Hoàng Ánh Dương cho biết: Khẩu pháo này nằm trong vườn của gia đình chúng tôi từ rất lâu rồi, với vốn hiểu biết chút ít về lịch sử, tôi nhận thức được rằng đây là một hiện vật quý minh chứng sự khốc liệt của chiến tranh, nên tôi luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình bảo quản, giữ gìn. Năm 2017, tôi đã chuyển giao khẩu pháo cho Bảo tàng tỉnh tiếp tục bảo quản, lưu giữ với mục đích phục vụ tuyên truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngoài hiện vật trên, hiện nay, các bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ gần 500 hiện vật lịch sử – cách mạng gắn liền với thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Là đơn vị nắm giữ gần 200 hiện vật lịch sử về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện tốt công tác bảo quản cũng như phát huy giá trị các tư liệu, ảnh, hiện vật là những kỷ vật liên quan tới hoạt động vận động cho sự ra đời của Đảng và lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng của các vị tiền bối như: ảnh các khu căn cứ, địa bàn hoạt động cách mạng; thẻ thuế thân, đồ dùng sinh hoạt của nông dân Lạng Sơn, của cán bộ Trung ương Đảng hoạt động tại Lạng Sơn; vật dụng Nhân dân Lạng Sơn đã dùng để tiếp tế, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, cờ Tổ quốc đã dùng trong các cuộc mít tinh mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, phiếu bầu cử, thẻ cử tri…
Cùng với Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Khởi Nghĩa Bắc Sơn hiện cũng đang lưu giữ hơn 80 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như: mũ lính Nhật thu được trong trận phục kích chặn đánh quân Nhật tiến vào Bắc Sơn ngày 23/4/1945 tại đèo Tam Canh; con dấu của Ủy ban Kháng chiến châu Bắc Sơn dùng trong kháng chiến chống Pháp năm 1945;…
Để phát huy giá trị những tư liệu lịch sử quý giá này, thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh triển khai nhiều giải pháp. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử nói chung và thời kỳ Cách mạng Tháng Tám nói riêng và đưa vào bảo quản, trưng bày trong các bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, chúng tôi cũng sử dụng hiện vật phục vụ các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố.
Song song với đó, bảo tàng đã số hóa tư liệu hình ảnh đưa lên trang tin điện tử 30 hiện vật thời kỳ này tại mục “Thư viện hiện vật – hiện vật lịch sử – cách mạng”. Đặc biệt, bảo tàng cũng chọn gần 100 hiện vật tiêu biểu thời kỳ này trưng bày trong không gian mang chủ đề “Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống pháp” tại tầng 2 nhà trưng bày nhằm giới thiệu đến du khách tham quan. Hằng năm, các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các bảo tàng, nhà trưng bày tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử tại các địa điểm này. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 hằng năm, các bảo tàng, nhà trưng bày đã tổ chức các hoạt động bổ ích và ý nghĩa như: trưng bày lưu động từ 1 đến 3 buổi tại các huyện, thành phố, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử. Trong tháng 8 và tháng 9 hằng năm, các địa điểm này đều thu hút trung bình từ 500 đến 1.000 lượt du khách.
Chị Nông Thị Vân Anh, khối Đại Thắng, phường Chi Lăng cho biết: Đến bảo tàng tham quan trực tiếp các hiện vật như bình đựng nước, nồi đồng, khẩu pháo và một số hình ảnh người lính thời kỳ Cách mạng Tháng Tám tại Lạng Sơn giúp tôi hình dung được phần nào quá trình chiến đấu anh dũng, gian khổ của thế hệ cha ông xưa. Đây là những tài liệu quan trọng giúp người dân càng thêm tự hào về bề dày truyền thống lịch sử quê hương.
Những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được lưu giữ, trưng bày không chỉ góp phần “soi sáng” lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân Xứ Lạng đối với các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, từ đó thêm tự hào về truyền thống, ra sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.