Các vấn đề về nông sản, “thẻ vàng” hải sản và xuất khẩu gạo đang chờ Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8.
Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15/8. Trong đó, các vấn đề “nóng” về nông nghiệp sẽ do Bộ trưởng Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đảm nhiệm trả lời. Trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề:
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…).
Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu nông sản đang dần tăng trưởng trở lại tại thị trường các nước khu vực châu Á. Tuy nhiên, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện đơn hàng. Hơn nữa, xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đã gây khó cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Về thủy sản, trước đó, tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu đã rút “thẻ vàng” với ngành thủy sản Việt Nam. Dự kiến, tháng 10/2023 tới, Ủy ban châu Âu sẽ có lần thứ tư đánh giá những nỗ lực của Việt Nam để xem xét gỡ thẻ vàng.
Theo đánh giá, sau gần 6 năm thực hiện bốn nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), đến nay đã có những kết quả khả quan. Đó là khung pháp lý đã tương đối hoàn thiện, việc quản lý, theo dõi, giám sát đội tàu cá của Việt Nam đã tương đối đồng bộ, với gần 98% tàu cá dài trên 15m được lắp thiết bị giám sát hành trình; Chuyện thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính đã được làm nghiêm.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng – Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong năm 2022 và 2023, số hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu bị trả về vì không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rất ít, mỗi năm chỉ 2-3 lô hàng.
Về vấn đề xuất khẩu lúa gạo, mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin kế hoạch nâng diện tích lúa thu đông (vụ 3) ở ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha (tăng 50.000 ha) để đón thời cơ giá gạo xuất khẩu tăng và nhu cầu tiêu thụ tăng.
Theo tính toán của Cục Trồng trọt: Với năng suất trung bình 5,7 tấn/ha vụ ở vụ thu đông, nếu tăng thêm 50.000 ha, sẽ có thêm khoảng 325.000 tấn lúa, tương đương khoảng 200.000 tấn gạo để tăng cường xuất khẩu. Với giá xuất khẩu gạo như hiện nay, việc tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông có thể đem về hơn 100 triệu USD.