Cuộc thi Tiếng hát sinh viên là hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống có quy mô lớn nhất của sinh viên trên toàn quốc, là cơ hội để các sinh viên thể hiện tài năng âm nhạc, giới thiệu văn hóa truyền thống trên mọi miền đất nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia cuộc thi – Ảnh: VGP/NN
Tối 1/12, tại trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khai mạc cuộc thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc lần thứ XV, khu vực phía Bắc.
Cuộc thi là cơ hội để các sinh viên thể hiện tài năng âm nhạc, giới thiệu văn hóa truyền thống trên mọi miền đất nước.
Chủ đề của Cuộc thi năm 2023 là “Xây dựng văn hoá học đường” thể hiện qua các tiết mục kết hợp phần ca và phần phụ họa ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nhà trường, thầy cô và bạn bè; thể hiện ước mơ, khát vọng, tình cảm, trách nhiệm của sinh viên đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cuộc thi được tổ chức thành hai vòng. Vòng khu vực được tổ chức ở hai miền (miền Nam và miền Bắc) với tổng số 39 đội và 113 tiết mục tham dự.
Vòng khu vực miền Bắc có 21 đội với 60 tiết mục với hơn 500 thí sinh đăng ký dự thi. Vòng khu vực miền Nam có 18 đội với 53 tiết mục và hơn 400 thí sinh đăng ký dự thi.
Những tiết mục xuất sắc nhất của các vòng thi khu vực sẽ được tham gia vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9-10/12.
Tiết mục dự thi vòng thi khu vực phía Bắc – Ảnh: VGP/NN
Theo ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cuộc thi Tiếng hát sinh viên là hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống có quy mô lớn nhất của sinh viên trên toàn quốc.
Cuộc thi diễn ra lần đầu tiên vào năm 1991. Qua 14 lần tổ chức, cuộc thi đã được khẳng định là sân chơi nghệ thuật, tạo cơ hội để học sinh, sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc phát hiện các tài năng nghệ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, rèn luyện đạo đức, tư tưởng, ý thức tập thể; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Qua cuộc thi, nhiều ca sỹ đã trưởng thành và trở thành các nghệ sỹ có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà như ca sỹ Tấn Minh, ca sỹ Thùy Dung, ca sỹ Trang Nhung, ca sỹ Mỹ Linh, ca sỹ Trần Thu Hà…
Nguồn:https://baochinhphu.vn/500-thi-sinh-du-thi-tieng-hat-sinh-vien-toan-quoc-khu-vuc-phia-bac-102231202082942291.htm