Những sự thật lịch sử không thể quên sau 46 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Hôm 6/1, tờ Khmer Times có bài viết, “Kỷ niệm 46 năm chiến thắng ngày 7/1: Sự thật lịch sử không thể quên”. Theo đó, 46 năm trước, vào ngày 7/1/1979, các lực lượng yêu nước dưới sự chỉ đạo của “Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia”, sau này là “Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia”, với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam, đã giải phóng Phnom Penh, đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. (Ảnh: TTXVN)
Theo nhà nghiên cứu Campuchia UCH Leang, chiến thắng lịch sử ngày 7/1 nhanh chóng giải cứu hơn 5 triệu người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo của nhóm Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu – chế độ đã giết hại hơn 3 triệu người dân vô tội trong suốt 3 năm, 8 tháng và 20 ngày, từ 17/4/1975 đến ngày 6/1/1979.
Sự kiện lịch sử này chứng minh cho sự đoàn kết quốc tế to lớn giữa Nhân dân và quân đội Campuchia và Việt Nam. “Chiến thắng này thấm sâu vào trái tim của người dân Campuchia, chấm dứt thời kỳ đen tối nhất, mở ra kỷ nguyên mới của độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội cho Campuchia. Người dân Campuchia coi ngày 7/1/1979 là sinh nhật thứ hai của mình. Nếu không có chiến thắng ngày 7/1, chúng ta sẽ không có hôm nay. Đây là một sự thật lịch sử mà không ai có thể thay đổi hoặc phá hủy”, ông UCH Leang nói.
Theo nhà nghiên cứu UCH Leang, chiến thắng ngày 7/1/1979 còn là “Bài học lịch sử tốt nhất rút ra từ Campuchia” để các thế hệ sau ghi nhớ, kế thừa truyền thống đoàn kết, anh hùng, tương trợ lẫn nhau của quân đội, Nhân dân Campuchia và Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ.
Nhân dân tỉnh Ratanakiri (Đông Bắc Campuchia) đón chào các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary phản bội lại Nhân dân Campuchia
Việt Nam – Campuchia là hai nước láng giềng hữu nghị và thân thiện, Nhân dân sớm có quan hệ đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Campuchia ngày 17/4/1975 cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa ba nước Đông Dương.
Thế nhưng, ngay sau khi lên cầm quyền vào tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại Nhân dân Campuchia, lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền… Lực lượng yêu nước Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn.
Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot–leng Sary xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động. Chỉ trong 2 năm 1975-1977, chúng đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam; gây ra những tội ác đẫm máu với Nhân dân ta, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các Quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia.
Song, Pol Pot-Ieng Sary không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta mà còn đẩy mạnh hoạt động chống phá, ráo riết chuẩn bị chiến tranh.
Đêm 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pol Pot mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.
Người dân Campuchia lánh nạn sang Việt Nam di chuyển trên Quốc lộ 22 (thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), do không thể sống nổi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary. (Ảnh: Xuân Bân – TTXVN)
Chiến thắng chế độ diệt chủng
Giai đoạn 1 (từ ngày 30/4/1977 đến ngày 5/1/1978), Pol Pot liên tiếp mở 3 cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam, gây nhiều tội ác với Nhân dân.
Trước hành động xâm lược trắng trợn của quân Pol Pot, các lực lượng biên phòng và dân quân, du kích đã anh dũng chiến đấu, ngăn chặn địch. Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang ở phía Nam: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia”.
Với âm mưu thủ đoạn nham hiểm “vừa ăn cướp, vừa la làng”, tập đoàn Pol Pot đưa chiến tranh biên giới ra trước dư luận thế giới. Ngày 31/12/1977, chúng ra tuyên bố vu khống Quân đội Việt Nam “tiến công xâm lược Campuchia dân chủ” nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế.
Cũng trong ngày 31/12/1977, Chính phủ ta ra tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, nêu rõ lập trường và nguyên tắc: Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, làm hết sức mình để bảo vệ tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị Việt Nam – Campuchia; vạch trần âm mưu thủ đoạn và những tội ác man rợ của tập đoàn Pol Pot đối với đồng bào ta ở các tỉnh vùng biên giới Tây Nam.
Giai đoạn 2 (từ ngày 6/1/1978 đến ngày 7/1/1979), tuy bị thiệt hại nặng nề trong giai đoạn 1, nhưng được hỗ trợ về vũ khí, trang bị và cố vấn quân sự từ bên ngoài, Pol Pot lại tiếp tục chuẩn bị lực lượng, tập trung quân về biên giới Việt Nam và tiếp tục gây xung đột.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu điều động Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) tăng cường cho Quân khu 9, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời ra lệnh cho các đơn vị ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nâng cao cảnh giác, thực hiện phòng ngự tích cực để hỗ trợ cho Đảng, Nhà nước ta thực hiện đấu tranh chính trị và ngoại giao.
Quân tình nguyện Việt Nam bất chấp gian khổ, sẵn sàng hy sinh, phối hợp với LLVT Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979). (Ảnh tư liệu: VOV)
Ngày 5/2/1978, Chính phủ ta ra tuyên bố ba điểm: Hai bên chấm dứt mọi hoạt động quân sự, rút lực lượng vũ trang cách biên giới 5km; Hội đàm tiến tới kí hiệp ước hữu nghị và không xâm lược, kí hiệp ước về biên giới; Thỏa thuận về một hình thức thích hợp bảo đảm thông lệ quốc tế và giám sát quốc tế.
Phớt lờ thiện chí của ta, quân Pol Pot tiếp tục huy động lực lượng áp sát biên giới và cho quân tiến công, xâm nhập nhiều điểm trên địa phận nước ta. Lực lượng của ta kiên quyết đánh trả, giành lại các khu vực bị lấn chiếm.
Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 2/12/1978, tại vùng giải phóng thuộc vùng giải phóng Snuol, huyện Snuol, tỉnh Kratie (Campuchia), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt Nhân dân Campuchia, công bố cương lĩnh cách mạng 11 điểm, trong đó nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ Nhân dân.
Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia khẳng định tăng cường tình đoàn kết với Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới; kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Campuchia.
Trước hành động xâm lược của Pol Pot và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công – tiến công trên toàn tuyến biên giới.
Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm.
Ngày 2/1/1979, ba cụm quân chủ lực của Pol Pot, mỗi cụm 5 sư đoàn, án ngữ các trục đường tiến về Phnôm Pênh (đường 1, đường 7 và đường 2) cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Ngày 5 và 6 tháng 1/1979, trên tất cả các hướng, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy kích, tiến sát Thủ đô Phnom Penh. Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng.
Sáng 1/5/1983, tại Phnom Penh, Bộ Ngoại giao Campuchia tổ chức họp báo, công bố việc rút một phần quân tình nguyện Việt Nam về nước sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình. (Ảnh: TTXVN)
Campuchia – Việt Nam cùng nhau xây dựng tương lai
Theo ông Sok Eysan, người phát ngôn của đảng Nhân dân Campuchia CPP, dưới chế độ diệt chủng Pot Pot, Nhân dân Campuchia rơi vào cảnh khốn cùng chưa từng có trên thế giới. Trong thời điểm bi thảm đó, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng Mặt trận Thống nhất Cứu quốc Campuchia đã trở thành lực lượng có sức mạnh áp đảo đánh bại quân đội Khmer Đỏ, nhanh chóng và kịp thời mở các cuộc tấn công để giải phóng Nhân dân và đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Sau ngày chiến thắng vang dội 7/1, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại làm chuyên gia giúp đỡ, chỉ đạo cho đến khi quân đội Campuchia có đủ năng lực ngăn chặn nguy cơ chế độ diệt chủng quay trở lại và sau đó rút toàn bộ lực lượng khỏi Campuchia vào ngày 20/9/1989, khi Campuchia hoàn toàn yên bình và đất nước đã độc lập.
Campuchia và Việt Nam đã sát cánh bên nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Sự sát cánh của hai nước láng giềng đã đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết Campuchia và Việt Nam, xây dựng nền tảng cho tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
Quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia tháng 9/1989 trong sự bịn rịn, lưu luyến của người dân nước bạn. (Ảnh: Chip HIRES/Gamma-Rapho/Getty)
Ngày nay, tình hữu nghị Campuchia – Việt Nam tiếp tục được củng cố trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Hai nước cam kết tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa phong phú, hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống Nhân dân và thúc đẩy phát triển bền vững.
Về hợp tác tốt đẹp, hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng. Các hiệp định thương mại song phương và khuôn khổ hợp tác kinh tế đã giúp tăng kim ngạch thương mại và thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thông qua sự tăng trưởng của thương mại, đầu tư, dịch vụ, các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm tại Campuchia, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Campuchia và Việt Nam ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, hai nước cũng tích cực hợp tác trong công tác bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ an ninh biên giới, đảm bảo ổn định và phát triển chung của mỗi nước.
Đặc biệt, thông qua các chuyến thăm cấp cao, hai bên tái khẳng định các phương hướng đã thống nhất để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, hình thành các cơ chế cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên một giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố với sự tin cậy chiến lược; Campuchia và Việt Nam cam kết tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và ổn định lâu dài, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau để mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân mỗi nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, truyền thống đoàn kết và tinh thần anh hùng ngày 7/1/1979, sự đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, quan hệ Campuchia và Việt Nam sẽ tiếp tục đưa mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài” lên một tầm cao mới.
Hai nước cùng nhau xây dựng tương lai, đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và các hoạt động xuyên tạc, vu khống, chia rẽ, vun đắp tình đoàn kết truyền thống và hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, vì lợi ích của Nhân dân mỗi nước, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.
Nguồn: https://baolangson.vn/46-nam-chien-thang-che-do-diet-chung-khmer-do-su-that-lich-su-khong-the-quen-5034335.html